Đại hội đối thoại dân tộc Syria diễn ra trong 2 ngày 29 - 30/1, tại thành phố Sochi (Nga) để đạt được nhận thức chung về tiến trình cải cách hiến pháp và các cuộc bầu cử do Liên hợp quốc giám sát.
Đây được xem là một trong những cơ hội để đạt một giải pháp chính trị chấm dứt cuộc xung đột kéo dài tại Syria. Tuy nhiên cũng có không ít trở ngại với hội nghị này.
Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura (giữa). Ảnh: AFP/TTXVN |
Song song với các cuộc hòa đàm Syria do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ tại Geneva, hội nghị tại Sochi là một nỗ lực của Nga khi phối hợp với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm ra giải pháp hóa giải cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua tại Syria. Trước đó, năm 2017, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các cuộc đàm phán về Syria tại Astana (Kazakhstan) và đạt nhiều kết quả khả quan, trong đó có việc nhất trí về các vùng giảm xung đột ở miền Tây Syria. Nga đã mời 1.600 đại biểu đại diện cho các tầng lớp xã hội của Syria. Các đại diện quốc tế và khu vực như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq, Trung Quốc, Ai Cập, Anh... được mời tham gia với tư cách quan sát viên.
Cơ hội tìm kiếm sự đồng thuận
9 vòng hòa đàm giữa các phe tham chiến ở Syria do Liên hợp quốc bảo trợ đã kết thúc mà hầu như không có tiến triển. Vòng đàm phán thứ 9 gần đây nhất (26/1), Chính phủ Syria và các phái đoàn của phe đối lập tuy đã nhất trí về một lệnh ngừng bắn ở vùng nông thôn Đông Ghouta của thủ đô Damascus nhưng đáng tiếc là chỉ 2 ngày sau, thỏa thuận đã bị phá vỡ. Giao tranh dữ dội lại tái diễn tại khu vực Đông Ghouta. Sở dĩ như vậy vì tại các vòng đàm phán này, chủ yếu chỉ có Chính phủ và phe đối lập có tiếng nói thay vì tất cả đại diện các phe phái ở Syria.
Cảnh đổ nát sau một vụ không kích ở al-Kalasa, Aleppo/Syria. - Ảnh: AFP/TTXVN
|
Vì vậy, khác với các hội nghị trên, ở Sochi, tất cả các đại biểu đều được có cơ hội đưa ra quan điểm của mình về tình hình hiện tại ở quốc gia này và cùng tìm kiếm các giải pháp tiếp theo. Một nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội là lựa chọn ứng cử viên tham gia Ủy ban soạn thảo Hiến pháp cho Syria. Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận về tuyên bố chung và đề nghị lên Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, các tổ chức nhân đạo quốc tế hỗ trợ khôi phục đất nước. Các bên tham dự Đại hội cũng khẳng định Nghị quyết số 2254 của Liên hợp quốc về Syria là văn kiện chính để giải quyết khủng hoảng tại đất nước Trung Đông này.
Với sự khác biệt như vậy nên hội nghị ở Sochi nhận được sự ủng hộ từ Liên hợp quốc. Việc tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này công nhận tính hợp pháp của Đại hội đối thoại dân tộc Syria tồn tại song song với các vòng đàm phán hòa bình của Liên hợp quốc cùng quyết định cử đặc phái viên Staffan de Mistura tham gia là những bằng chứng cho thấy sự cần thiết của việc tổ chức cuộc đối thoại tại Sochi.
Ngay cả người dân Syria cũng cảm nhận được sự cần thiết của đối thoại. Họ cho rằng đây là cơ hội hiếm có để tập hợp các quan điểm và đạt được giải pháp chính trị vì không có giải pháp nào ngoài giải pháp hoà bình. Sau 7 năm, thời gian đã minh chứng rằng chỉ có giải pháp hòa bình là khả thi.
Một số trở ngại
Đại hội đối thoại dân tộc Syria tuy tập hợp được khá đông đại biểu các phái đối lập ôn hòa như Phong trào vì xã hội đa nguyên, Hội nghị Dân tộc Syria, Phong trào “Ngày mai của Syria” và “Khối dân tộc” song lại thiếu vắng Ủy ban Đàm phán Syria (SNC) thuộc phe đối lập chính tại Syria. Ngay cả chính quyền khu tự trị người Kurd ở Syria cũng tuyên bố không tham gia Đại hội. Đây là những động thái đáng tiếc vì việc thiếu vắng của một bên trong cuộc chiến tại Syria sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực nhằm đạt một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều năm qua tại Syria.
Ngoài ra, các bên liên quan trong cuộc chiến Syria đều có những toan tính riêng. Nếu trước kia, các bên cùng có mục tiêu chung là đánh bật lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ra khỏi đất nước, thì sau khi lực lượng này bị đánh bại, với hệ tư tưởng riêng và lực lượng ủng hộ khác nhau, các phe phái tại Syria đều muốn khẳng định vị thế của mình trong “bàn cờ” chính trị tại Syria. Chính mâu thuẫn này cũng là một lực cản không nhỏ cho việc đảm bảo duy trì một giải pháp hòa bình cho Syria.
Người dân Syria đang mong mỏi hòa bình song con đường đó sẽ còn nhiều gian nan.
Điều này đòi hỏi phải có thiện chí và nỗ lực rất lớn của các bên liên quan không chỉ tại Đại hội đối thoại Sochi này mà còn trong giai đoạn tiếp theo.