Chiến dịch Nhành ô liu: gia tăng bất ổn ở Syria

Chia sẻ
(VOV5) -Xem ra hòa bình vẫn còn xa khi trên đất nước Syria còn chưa ngưng tiếng súng.

Gần 1 tuần sau khi đưa quân vào lãnh thổ Syria với lý do để đánh bật lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) khỏi khu vực Afrin, Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo khả năng sẽ mở rộng chiến dịch quân sự này. Chưa biết hiệu quả chiến dịch đến đâu song điều dễ thấy là động thái này khiến tình hình Syria thêm rối ren, một mặt trận mới trong cuộc chiến tại Syria đã xuất hiện.

Chiến dịch Nhành ô liu: gia tăng bất ổn ở Syria - ảnh 1Binh sĩ và xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai tại Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ), chuẩn bị tiến vào khu vực Afrin, miền bắc Syria ngày 21/1. THX/TTXVN 

Chiến dịch "Nhành Oliu" của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ 20/1. Quyết định được đưa ra sau khi Mỹ thông báo kế hoạch thiết lập lực lượng an ninh biên giới dự kiến lên tới 30 nghìn binh sĩ triển khai dọc biên giới phía bắc Syria giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) là chủ chốt. Việc Mỹ tăng cường hậu thuẫn lực lượng người Kurd bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách khủng bố khiến Ankara bất bình. Ankara cho rằng kế hoạch này của Mỹ có thể giúp người Kurd thành lập một nhà nước ngay sát vách Thổ Nhĩ Kỳ và đe dọa đến an ninh của nước này.

Chiến dịch nhạy cảm

Afrin, tây bắc Syria, nằm dưới quyền kiểm soát của YPG.  Nã pháo vào Afrin, Thổ Nhĩ Kỳ ngoài mục tiêu đánh bại chủ nghĩa khủng bố còn muốn ngăn chặn người Kurd thống nhất hai vùng lãnh thổ ở Tây bắc và Đông bắc Syria để thành lập một nhà nước tự trị, tương tự như những gì người Kurd làm ở Iraq thời gian qua.

Từ trước đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ kịch liệt phản đối ý tưởng về chính quyền người Kurd tự trị ở Syria vì nó sẽ truyền cảm hứng cho những tham vọng tương tự với người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Do đó, khác với những lần can thiệp quân sự trước của quốc gia này tại Syria là làm cho lực lượng người Kurd phân chia và bị kìm hãm thì lần này Ankara tấn công vũ trang trực diện để tiêu diệt lực lượng dân quân YPG.

Chiến dịch Nhành ô liu: gia tăng bất ổn ở Syria - ảnh 2Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tại Reyhanli, tỉnh Hatay, gần biên giới Syria. AFPTTXVN 

Đáng chú ý, chưa đầy 1 tuần sau khi tấn công Afrin, Thổ Nhĩ Kỳ thông báo nước này đang cân nhắc mở rộng chiến dịch "Nhành Ôliu" sang các khu vực khác tập trung lực lượng người Kurd tại Syria, cụ thể tại thị trấn miền Bắc Manbij, thậm chí sang khu vực phía Đông sông Euphrates. Lý do là lực lượng Các đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd đã tấn công Thổ Nhĩ Kỳ từ các khu vực nói trên ở Syria. Và Ankara phải loại bỏ những mối đe dọa ở mọi nơi.

Thổ Nhĩ Kỳ đặt quyết tâm lớn cho chiến dịch  này khi khẳng định không cần sự đồng thuận của bất kỳ nước nào và mục tiêu hàng đầu là loại bỏ các mối đe dọa nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ khoét sâu vào mâu thuẫn bấy lâu nay giữa Ankara và Washington. Vì chính YPG được Mỹ hậu thuẫn và được coi là có vai trò trong chiến dịch đẩy lùi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ra khỏi các thành trì tại Syria.

Trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo ở Syria, đe dọa đàm phán hòa bình Syria

Chỉ 2 ngày sau chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các tay súng người Kurd ở khu vực Afrin, khoảng 5.000 người rơi vào cảnh mất nhà cửa. Không chỉ vậy, chiến dịch Nhành ô liu của Thổ Nhĩ Kỳ còn khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia Syria thêm tồi tệ. Tình hình khủng hoảng nhân đạo đang trở nên tồi tệ tại các khu vực Afrin, Idlib và Đông Ghouta. Cuộc xung đột kéo dài gần 7 năm qua ở Syria đã khiến hàng triệu người phải đi sơ tán ở trong và ngoài Syria. Trong khi đó, 10 triệu người khác dù không dời bỏ nhà cửa nhưng đang phải sống trong cảnh khó khăn.

Chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria xem ra cũng sẽ gây trở ngại cho nỗ lực tổ chức Đại hội Đối thoại dân tộc Syria do Nga lên kế hoạch dự kiến diễn ra ở Sochi vào cuối tháng 1 khi người Kurd là 1 trong những thành phần được mời tham dự để thảo luận về Hiến pháp mới và tiến hành bầu cử dưới sự bảo trợ của LHQ. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng nhấn mạnh vai trò của người Kurd trong tiến trình chính trị tương lai tại Syria cần được đảm bảo.

Người dân Syria chưa hết vui mừng vì IS đã bị đánh bại thì nay lại lo lắng về làn sóng xung đột mới hoàn toàn có thể nổ ra ở quốc gia Trung Đông này. Xem ra hòa bình vẫn còn xa khi trên đất nước Syria còn chưa ngưng tiếng súng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu