Covid-19 thử thách nền kinh tế toàn cầu

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Theo các chuyên gia, còn khá sớm để đánh giá đầy đủ về tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế thế giới.

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng Corona mới (Covid-19) tại Trung Quốc với 64.000 ca nhiễm và 1.486 ca tử vong, đang lây lan tới 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo công bố của WHO tính đến ngày 14/2/2020.

Dù còn quá sớm để để có thể có con số thống kê đầy về tác động của Covid-19 gây ra cho kinh tế thế giới, song nó đã và đang trực tiếp gây ra những hệ lụy ban đầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chuỗi cung ứng toàn cầu.

Covid-19 thử thách nền kinh tế toàn cầu - ảnh 1Ảnh minh hoạ: dangcongsan.vn

Dịch bệnh Covid-19 xảy ra vào thời điểm đầu năm 2020 và cũng là dịp nghỉ Tết của người dân Trung Quốc và một số quốc gia châu Á đã gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế của các nước, điển hình là Trung Quốc, nhất là trong các lĩnh vực y tế, du lịch, giao thông vận tải, bán lẻ, xuất nhập khẩu, các ngành sản xuất theo chuỗi, dịch vụ tài chính…. Không chỉ vậy, do Trung Quốc đang chạy đua với thời gian ngăn chặn dịch bệnh, ổn định kinh tế trong nước. 

Những tác động tức thì

Chỉ sau một đêm, sau khi Trung Quốc công bố cách thống kê mới số ca mắc nhiễm và tử vong tăng vọt, chứng khoán khắp châu Á chứng kiến cơn lốc đỏ sàn. Cơn sóng đỏ sàn không chỉ ở châu Á, hợp đồng tương lai các chỉ số chính phố Wall cũng trượt giá trong khung giờ giao dịch của thị trường châu Á.

Các sòng bạc tại Macao phải đóng cửa, các hãng hàng không trên thế giới đã hủy 25.000 chuyến bay đến và xuất phát từ Trung Quốc và cả các đường bay nội địa tại quốc gia rộng lớn này. Tập đoàn hàng không dân dụng Hồng Kông Cathay Pacific phải cho 27.000 nhân viên nghỉ việc không ăn lương. Hãng xe Hyundai tạm đóng cửa tất cả các nhà máy tại Hàn Quốc trong một tuần vì thiếu phụ tùng sản xuất tại Trung Quốc đưa sang. Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc là một lá phổi công nghiệp, là một kinh đô sản xuất ô tô và trong những tuần qua, cả thành phố này đã ngừng hoạt động, các nhà máy phải đóng cửa. Từ tập đoàn chế tạo máy bay Airbus của châu Âu đến hãng xe điện Tesla hay tập đoàn Apple của Mỹ đều bắt đầu phải giảm nhịp độ sản xuất. Bởi, nhiều tỉnh thành của Trung Quốc quyết định kéo dài kỳ nghỉ nhằm đối phó với dịch bệnh mà những tỉnh thành đó bảo đảm đến 80 % tổng sản phẩm nội địa và là nguồn sản xuất đến 90 % hàng xuất khẩu của Trung Quốc ra thế giới bên ngoài.

Trong khi đó, ngành công nghiệp thực phẩm bị ảnh hưởng vì các trục giao thông bị bế quan tỏa cảng. Tại Pháp, ngành khách sạn bắt đầu lao đao vì dịch khi 80 % số phòng đã đặt trước bị hủy trong tháng 1/2020 và 100% trong tháng 2/2020.

Google, IKEA… lần lượt thông báo tạm đóng cửa các chi nhánh tại Trung Quốc. Tổ Chức Các Nước Xuất Khẩu Dầu Lửa (OPEC) họp khẩn vì thị trường lớn nhất là Trung Quốc tạm thời bị "đóng băng". Nga, Triều Tiên, Mông Cổ đóng cửa biên giới với Trung Quốc trong lúc các nước phương Tây hối hả hồi hương kiều dân của mình. Nhiều quốc gia khuyến cáo công dân tránh đi Trung Quốc. Rõ ràng, chuỗi cung ứng của thế giới bị xáo trộn vì mắt xích Trung Quốc bị Covid-19 hoành hành. 

Các quốc gia tự nâng cao sức đề kháng nền kinh tế

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, còn khá sớm để đánh giá đầy đủ về tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế thế giới. Nhưng theo một số nghiên cứu gần đây của các tổ chức uy tín như Moody’s, BNP Paribas Cadif, International SOS, do Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (sau Mỹ), chiếm tỷ trọng khoảng 17% GDP toàn cầu và đóng góp khoảng 33% tổng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vì vậy dự báo dịch bệnh này có thể khiến GDP toàn cầu giảm khoảng 0,3-0,7 % năm nay. Oxford Economics dự báo rằng Mỹ sẽ mất 1,6 triệu du khách từ Trung Quốc đại lục trong năm nay.

Triển vọng tăng trưởng của châu Âu cũng có thể bị thách thức. Châu lục này đã trở thành một điểm đến ngày càng phổ biến đối với du khách Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ - Trung rạn nứt trong năm 2018. Trong khi đó, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 13/2 đánh giá tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chịu ảnh hưởng “nhẹ” do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. IMF nhận định tác động của dịch sẽ theo hình chữ V, với hoạt động kinh tế tại Trung Quốc sẽ phục hồi mạnh sau giai đoạn giảm sút mạnh, có nghĩa tác động đến kinh tế toàn cầu có thể nhẹ. Trong lúc này, nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia Châu Á đang chuẩn bị cho kịch bản ứng phó, có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, giảm thuế, hỗ trợ lĩnh vực nhà hàng, du lịch, đảm bảo trật tự và ổn định xã hội, ổn định tâm lý người dân, sẵn sàng hồi phục sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh đi qua.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu