Thông tin về phòng chống dịch covid-19 (nCov) cùng giải đáp một số nội dung thính giả quan tâm

Chia sẻ
(VOV5) - Chương trình trả lời một số nội dung thính giả quan tâm về văn hóa của người Việt

Tuần qua, chương trình thông tin cho thính giả về những nghiên cứu mới nhất liên quan đến phòng chống dịch covid-19(nCOv); trả lời một số nội dung thính giả quan tâm về văn hóa của người Việt.

Nghe âm thanh tại đây:

Chào quý vị, chào các bạn,

Những ngày qua, Việt Nam cùng với các quốc gia trên thế giới tiếp tục nỗ lực phòng chống dịch nCoV. Những lo ngại về sự lây lan của dịch bệnh thay thế bằng niềm tin và quyết tâm của mỗi người và toàn cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh. Các bạn có thể bớt đi sự lo lắng vì theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,  Bộ y tế vừa chính thức công bố trang tin điện tử về dịch nCoV.

Trang tin điện tử có tên miền https://ncov.moh.gov.vn nhằm giúp người dân nắm bắt tình hình dịch bệnh và trang bị kiến thức phòng chống dịch bệnh. Các kênh thông tin góp phần cung cấp nguồn thông tin chính xác, tổng hợp, đa dạng và trợ giúp cho người dân cũng như đội ngũ cán bộ y bác sĩ và nhân viên y tế trong ngành y tế có thể chủ động ứng phó với các tình huống dịch bệnh nCoV, đẩy lùi các trang thông tin giả mạo, những tin đồn, tin giả không có cơ sở.

App Sức khỏe Việt Nam về dịch cũng giúp mỗi người dễ dàng truy cập ở mọi lúc, mọi nơi để phát hiện và phòng ngừa khi nghi ngờ bị lây nhiễm. Một thông tin để giúp cho mỗi người dân yên tâm là các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu phân lập và nuôi cấy virus covid-19 với hy vọng sẽ tìm được vacxin trong tương lại, đồng thời chế tạo bộ kit để phát hiện virus trong vòng 70 phút. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật để có thể thông tin nhanh nhất về chủ đề này.

Quý thính giả thân mến, khá nhiều những nội dung được thính giả ở khắp nơi gửi thư về hỏi với mong muốn được tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa, con người Việt Nam. Câu hỏi đầu tiên của thính giả Nina Vongphachan, ở Lào về các lễ hội đầu năm tại Việt Nam:

Tại Việt Nam đây là thời điểm du xuân tuy nhiên, năm nay, do dịch nCoV nên nhiều lễ hội phải tạm thời không tổ chức và khuyến cáo người dân không nên tụ tập nơi công cộng. Nhưng nếu tới Việt Nam vào thời điểm sau Tết cổ truyền hàng năm, các bạn cũng có thể lựa chọn để tham dự một số lễ hội đặc trưng như Lễ hội Gò Đống Đa, Hà Nội ngày mùng 5 tháng Giêng và ở miền Trung, lễ hội Đống Đa Tây Sơn cũng được tổ chức ở tỉnh Bình Định; Hội Lim ở Bắc Ninh từ 12 đến 14 tháng Giêng; Hội chùa Hương ở Hà Nội vào mùng 6 tháng Giêng và kéo dài tới hết tháng ba âm lịch; Lễ hội đền Trần, ở Nam Định là hội xuân nổi tiếng nhất tổ chức ngày 14 tháng Giêng; Lễ hội Yên Tử ở Quảng Ninh, từ mùng 10 tháng Giêng và kéo tới hết tháng ba âm lịch.Lễ hội Cầu ngư được coi là lớn nhất ở Huế vào ngày 12 tháng Giêng; Lễ hội đền Bà Đen ở Tây Ninh từ mồng 10 đến 15 tháng Giêng và là một trong những lễ hội mùa xuân lớn nhất ở khu vực phía nam; Lễ đền miếu bà Chúa Xứ, An Giang là lễ hội lớn nhất ở miền tây Nam Bộ tổ chức vào 23 đến 27 tháng 4 âm lịch. Mỗi lễ hội có những nét đặc trưng văn hóa riêng và bạn có thể tham gia để tìm hiểu.

Từ Campuchia, thính giả Kim Dareth muốn được nghe giới thiệu về hương vị cà phê muối cố đô Huế.

Nếu Sài Gòn có cà phê sữa đá, Hà Nội có cà phê trứng được mệnh danh “cappuccino của Việt Nam”, thì nhắc đến Huế, người Huế luôn ánh lên tự hào nói về cà phê muối- đặc sản cà phê đất cố đô. Cà phê muối khiến nhiều người liên tưởng ngay đến vị mằn mặn của biển cả, nhưng lại hòa quyện với vị cà phê thơm nức. Vị thơm, bùi ngậy của sữa tươi lên men, vị mằn mặn thanh thoát của muối tinh và sự nồng đậm đà của cà phê đen truyền thống đã được dịu vị lại nhờ muối và sữa. Ra đời từ cách đây 6 năm ở một quán cà phê sân vườn trên đường Nguyễn Lương Bằng, cà phê muối nhanh chóng chiếm được cảm tình của người dân đất cố đô. 

Thính giả người Nhật Bản Yoshiaki Wada hỏi ở Việt Nam có món ăn nào tương tự như món Tsukemen của Nhật Bản không?

Món Tsukemen ( hay còn gọi mỳ Ramen) có hương vị đặc trưng riêng trong ẩm thực của Nhật Bản. Nếu theo tìm hiểu của chúng tôi thì ở Việt Nam, tương tự có mỳ hoành thánh, một món ăn du nhập từ Trung Hoa vào Việt Nam khoảng thập niên 1930 và biến đổi cho phù hợp với ẩm thực Việt. Món mỳ vằn thắn tại Việt Nam gồm sủi cảo làm từ thịt nạc và tôm tươi, xá xíu thái mỏng, trứng gà luộc, gan lợn, nấm hương, cải xanh, sợi mỳ và trứng. Để làm nước dùng, người ta ninh xương gà, xương lợn, cá tầm khô, một số vị thuốc bắc, và vỏ tôm. Các bạn có thể so sánh giữa 2 món ăn nếu tới Việt Nam và thưởng thức món mỳ vằn thắn. 

Thính giả Triệu Liên Quý, Vỹ Duy, Triệu Á Đông hỏi có bao nhiêu cơ quan thường trú của Đài TNVN đặt ở nước ngoài?

Có tất cả 13 cơ quan thường trú của Đài TNVN đặt tại các nước, đó là Mỹ, Pháp, Sec, Lào, Campuchia, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Australia và Ấn Độ, Thái Lan, Ai cập, Nga. Trong đó, cơ quan thường trú Đài TNVN tại Ấn Độ vừa khai trương vào ngày 12 tháng 2 vừa qua. 

Chương trình cũng xin cung cấp cho thính giả muốn được biết thông tin về việc dạy tiếng A rập và tiếng Tây Ban Nha ở Việt Nam.

Là ngôn ngữ hiếm nên số lượng người Việt Nam biết tiếng A rập không nhiều. Tiếng A rập được dạy tại Trường Đại học ngoại ngữ, Đại học quốc gia Hà Nội. Ngôn ngữ này được chính phủ Việt Nam cho phép tuyển sinh từ năm 1996. Trước đây, cách 3,4 năm mới tuyển sinh 1 khóa, mỗi khóa từ 20 đến 25 sinh viên. Nhưng do nhu cầu, từ 3 năm nay, Nhà trường tuyển sinh thường niên.

Đối với tiếng Tây Ban Nha, nhu cầu dạy và học nhiều  hơn. Ngôn ngữ này được giảng dạy tại Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn; Trường đại học ngoại ngữ( đại học quốc gia Hà Nội) và Trường Đại học Hà Nội. 

Tuần qua, cùng với những lá thư hỏi về nhiều nội dung quan tâm, thính giả từ các nước cũng gửi thư chúc mừng và chia sẻ ý kiến về một số sự kiện của Việt Nam như 90 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, Tết trồng cây; hay những trợ giúp của Việt Nam với Trung Quốc trong phòng chống dịch bệnh; Những chia sẻ của thính giả về các bài viết trong các chuyên mục khám phá việt nam, kinh tế, sức khỏe, ca nhạc…. Trên trang web suốt tuần qua cũng nổi bật các sự kiện này cùng nhiều hoạt động của người Việt ở các nước do các phóng viên thường trú và các cộng tác viên gửi về.

Cám ơn quý vị thính giả đã đón nghe chương trình và gửi thư, bài vở cho  chúng tôi theo địa chỉ: Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào VN ở xa Tổ quốc, Ban Đối ngoại, Đài TNVN, 45 Bà Triệu, Hà Nội.

Điện thoại: 84. 243. 8 252 070.

Hộp thư điện tử: vietkieuvov@gmail.com      vovworld@vov.org.vn

Chương trình cũng được phát trực tuyến qua trang web www.vovworld.vn vào lúc: 10h-11h (giờ Hà Nội) tức từ 03h đến 04h (giờ quốc tế) và vào lúc 22-23h (giờ Hà Nội), tức là từ 15h đến 16h (giờ quốc tế). Để tiện theo dõi các chương trình của chúng tôi từ điện thoại di động, quý thính giả có thể tải ứng dụng vov media xuống điện thoại di động; sử dụng hệ điều hành android hoặc IOS và chọn nghe VOV5. Hẹn gặp quý vị và các bạn trong những cánh thư sau.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu