Cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép lên Taliban

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Cuối tuần qua, chính quyền Mỹ đã tiến hành các cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên với Taliban, lực lượng đang nắm quyền Afghanistan kể từ giữa tháng 8/2021.

Cuộc đối thoại diễn ra tại thủ đô Doha của Qatar, được coi là động thái mới và đáng chú ý nhất của cộng đồng quốc tế trong nỗ lực duy trì sức ép buộc Taliban phải tuân thủ cam kết từ bỏ bạo lực, thúc đẩy hòa giải và thực hiện quyền con người.

Cuộc đối thoại kéo dài hai ngày 9-10/10, được tiến hành trong bối cảnh Taliban đang ra sức phá thế cô lập, tìm kiếm sự công nhận quốc tế. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục nỗ lực ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại Afghanistan, đồng thời không ngừng tăng cường sức ép lên Taliban, buộc lực lượng này phải tuân thủ các giá trị chung của thế giới. 

Cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép lên Taliban - ảnh 1Hiện trường vụ nổ tại thánh đường của người Hồi giáo dòng Shiite ở tỉnh Kunduz, phía Đông Bắc Afghanistan ngày 8/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Taliban tìm cách phá thế cô lập        

Ngoài cuộc đối thoại với đại diện chính quyền Mỹ, tiến trình đối thoại tại Doha của Taliban còn bao gồm cuộc gặp với đại diện Liên minh châu Âu (EU) ngày 12/10. Tiến trình này được xúc tiến chỉ ít ngày sau khi lãnh đạo Taliban có cuộc hội đàm với Simon Gass, đại diện cấp cao tại Afghanistan của Thủ tướng Anh Boris Johnson (hôm 5/10). Trước đó, các lãnh đạo Taliban cũng tham gia các buổi tiếp nhận viện trợ từ Qatar, Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Pakistan và Uzbekistan tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul. Ngoài ra, lãnh đạo Taliban cũng đã tham gia cuộc họp với giới chức Liên hợp quốc trong tháng 9 liên quan vấn đề duy trì viện trợ cho Afghanistan. 

Nhiều nhà phân tích khu vực và phương Tây có chung nhận định rằng: việc lãnh đạo Taliban tích cực tham gia các cuộc tiếp xúc với thế giới nhằm mục tiêu phá vỡ thế cô lập, tìm kiếm sự cộng nhận quốc tế. Bởi lẽ, kể từ khi giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul (ngày 15/8) và thành lập Chính phủ tạm thời tại Afghanistan (ngày 6/9), song đến nay, Taliban vẫn chưa nhận được bất kỳ sự công nhận nào từ cộng đồng quốc tế. Trong khi đó, tình trạng khủng hoảng lương thực, y tế và tài chính tại Afghanistan tiếp tục diễn biến ngày một tồi tệ hơn, đẩy Taliban vào tình thế không còn sự lựa chọn, buộc phải đối thoại và cầu viện sự trợ giúp từ bên ngoài.

Cộng đồng quốc tế gia tăng sức ép lên Taliban - ảnh 2Quyền ngoại trưởng Afghanistan Mullah Amir Khan Muttaqi cho biết trọng tâm của phái đoàn Afghanistan là viện trợ nhân đạo, cũng như việc thực hiện thỏa thuận. Ảnh: Karim Jaafar/AFP

Duy trì sức ép song hành với đối thoại

Trong các lần đối thoại vừa qua với Taliban, Mỹ và các bên quốc tế đều nhấn mạnh yêu cầu chung là Taliban phải thành lập một chính phủ có đại diện rộng rãi, thúc đẩy hòa hợp dân tộc và thực hiện nữ quyền. Cụ thể, trong tuyên bố chính thức sau cuộc gặp tại Doha ngày 10/10, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đàm phán tại Doha tập trung vào các mối quan ngại an ninh và khủng bố, hành lang an toàn cho công dân Mỹ, công dân các nước khác và người dân Afghanistan, cũng như vấn đề nhân quyền, đặc biệt là sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái vào mọi mặt của xã hội Afghanistan. Đặc biệt, tuyên bố tái khẳng định quan điểm sẽ đánh giá Taliban dựa trên hành động, chứ không chỉ lời nói. Trước khi cuộc gặp diễn ra, giới chức Mỹ cũng khẳng định tiến trình đối thoại Doha không nhằm công nhận Taliban.

Tuy nhiên, trong bối cảnh có thể xảy một thậm họa nhân đạo nghiêm trọng tại Afghanistan, cùng với việc gây sức ép lên Taliban, cộng đồng quốc tế cũng đang nỗ lực tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng nhân đạo đang ngày càng xấu đi tại quốc gia Nam Á. Trong đó, ngày 12/10, lãnh đạo Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt về Afghanistan với một trong những nghị sự trọng tâm là tìm giải pháp cứu trợ khẩn cấp cho hơn 1/3 dân số Afghanistan (hơn 11 triệu người) đang trong tình trạng thiếu đói nghiêm trọng.

Cứu trợ hàng triệu người Afghanistan đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng lương thực là nhiệm vụ cần thiết, cấp bách. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ, lâu dài cho đất nước và người dân Afghanistan, vẫn là xây dựng một xã hội ổn định, tiến bộ. Trên tinh thần đó, cộng đồng quốc tế đang nỗ lực duy trì đối thoại với Taliban, hối thúc lực lượng này từ bỏ bạo lực, tiến hành hòa giải, thực hiện đẩy đủ quyền con người, đặc biệt là quyền của phụ nữ và trẻ em gái, tại Afghanistan.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu