Mỹ kết thúc chiến dịch sơ tán và rút lực lượng chiến đấu khỏi Afghanistan

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Một chương mới trong quan hệ giữa Mỹ với Afghanistan đã bắt đầu, trong đó đi đầu là ngoại giao. Nhiệm vụ quân sự đã kết thúc, một nhiệm vụ ngoại giao mới đã bắt đầu.

Ngày 30/8, những binh sỹ Mỹ cuối cùng đã rời khởi Afghanistan từ sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul, chính thức khép lại chiến dịch sơ tán và rút toàn bộ lực lượng chiến đấu của Mỹ khỏi Afghanistan theo cam kết.

Mỹ kết thúc chiến dịch sơ tán và rút lực lượng chiến đấu khỏi Afghanistan - ảnh 1Binh lính Mỹ rời khỏi Afghanistan ngày 30/8/2021 - Ảnh: Aamir Qureshi/AFP/Getty

Trong một thông báo chính thức, Tướng Kenneth McKenzie, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm quân đội cho biết, chiếc máy bay vận tải quân sự C-17 chở những binh sỹ Mỹ cuối cùng đã cất cánh từ sân bay Hamid Karzai giữa đêm 30/8.

Kết thúc chiến dịch sơ tán và rút quân lớn nhất trong nhiều thập niên  

Theo thông báo, khoảng 13 giờ trước chuyến bay cuối cùng này, chiến dịch sơ tán công dân Mỹ, người nước ngoài và người Afghanistan cũng đã kết thúc. Tổng cộng có khoảng 123.000 người Mỹ, người Afghanistan và công dân nước thứ 3 đã được đưa ra khỏi Afghanistan từ sân bay quốc tế Kabul, trở thành chiến dịch sơ tán qua đường hàng không lớn nhất mà Mỹ thực hiện trong nhiều thập niên qua. Chiến dịch bắt đầu hôm 15/8, ngay sau khi lực lượng Taliban tiến vào thủ đô Kabul và tuyên bố toàn quyền kiểm soát đất nước Afghanistan.

Trước khi hoàn tất việc rút quân, quân đội Mỹ đã buộc phải phá hủy, vô hiệu hóa hoặc bỏ lại nhiều trang thiết bị quân sự và vũ khí. Trong đó, vô hiệu hóa hoàn toàn 73 máy bay tại sân bay quốc tế Hamid Karzai; bỏ lại khoảng 70 xe thiết giáp chống mìn MRAP, gần 30 xe chiến đấu đa sụng Humvee và hai hệ thống phòng không hiện đại C-RAM. Bên cạnh đó, Mỹ cũng quyết định đình chỉ hiện diện ngoại giao ở Kabul và chuyển hoạt động của cơ quan ngoại giao nước này sang Qatar. Đại sứ Mỹ tại Afghanistan Ross Wilson là một trong những người cuối cùng rời Kabul trong chuyến bay đêm 30/8.

Như vậy, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hiện thực hóa cam kết tranh cử năm 2020 là đưa toàn bộ binh sỹ Mỹ rời khỏi Afghanistan trong năm 2021, chính thức đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến kéo dài gần 20 năm và tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD của Mỹ tại đây. Trong cuộc chiến đó, có tổng cộng gần 2.500 quân nhân Mỹ đã thiệt mạng, mới nhất là 13 binh sỹ tử vong trong vụ đánh bom liều chết tại sân bay Hamid Karzai hôm 26/8, khi chiến dịch sơ tán đang lên đến đỉnh điểm.

Mỹ kết thúc chiến dịch sơ tán và rút lực lượng chiến đấu khỏi Afghanistan - ảnh 2Máy bay vận tải của Không quân Mỹ rời sân bay quốc tế ở Kabul - Ảnh: Aljazeera

Thế nhưng, dù có sự trợ giúp của nhiều đồng minh và phải hứng chịu tổn thất lớn về người, quân đội Mỹ cũng không thể hoàn thành kế hoạch sơ tán như mong muốn. Tướng Kenneth McKenzie thừa nhận hàng trăm công dân Mỹ vẫn còn ở lại Afghanistan, nhấn mạnh rằng dù chiến dịch sơ tán có kéo dài thêm 10 ngày nữa thì việc sơ tán tất cả những người Mỹ muốn đưa khỏi Afghanistan, cũng không thể hoàn thành.

Sự khởi đầu mới đầy thách thức với Afghanistan

Ít giờ sau khi chuyến bay cuối cùng đưa binh sỹ Mỹ rời Kabul cất cánh, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ra tuyên bố khẳng định “Một chương mới trong quan hệ giữa Mỹ với Afghanistan đã bắt đầu, trong đó đi đầu là ngoại giao. Nhiệm vụ quân sự đã kết thúc, một nhiệm vụ ngoại giao mới đã bắt đầu". Cùng với đó, Ngoại trưởng Mỹ yêu cầu Taliban bảo đảm cam kết duy trì tự do đi lại, bảo đảm quyền cho phụ nữ và các dân tộc thiểu số, cũng như ngăn Afghanistan trở thành căn cứ khủng bố.

Về phần mình, Taliban tuyên bố đã "làm nên lịch sử", coi việc toàn bộ binh sỹ Mỹ rút khỏi Afghanistan là một ‘chiến thắng lịch sử”. Ngay trong đêm 30/8, Taliban đã tổ chức nhiều hoạt động ăn mừng “chiến thắng” tại Kabul và nhiều thành phố khác.  

Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc, đồng thời kêu gọi có hành động khẩn cấp để ngăn chặn và đối phó với một loạt nguy cơ và thách thức mà người dân và đất nước Afghanistan đang phải đối mặt. Đó là nguy cơ bất ổn an ninh do sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố và cực đoan; khả năng xảy ra chiến sự kéo dài và lan rộng giữa Taliban và lực lượng chống đối ở thung lũng Panjshir; chế độ điều hành đất nước hà khắc theo luật Hồi giáo Shaira của Taliban… Nhưng đáng lo ngại hơn cả là nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo tồi tệ khi gần một nửa dân số Afghanistan đang cần cứu trợ lương thực khẩn cấp, trong khi hoạt động cứu trợ đang gặp nhiều trở ngại vì an ninh bất ổn cũng như sự hoành hành của đại dịch Covid-19.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu