Cộng đồng kinh tế ASEAN và các mục tiêu hội nhập

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Để nắm bắt các cơ hội từ RCEP, các nước ASEAN cần phải thống nhất về tạo thuận lợi thương mại trong nội khối trước, đảm bảo cả khu vực hưởng lợi từ hợp tác và hội nhập kinh tế trong khu vực.

Hội nghị hẹp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM Retreat) lần thứ 25 diễn ra trong 2 ngày 22 và 23/4 tại Phuket, miền Nam Thái Lan. Bên cạnh mục tiêu chính được thảo luận tại Hội nghị lần này là việc đẩy nhanh việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối năm nay, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN nhất trí cần phải đạt được sự thống nhất trong nội khối trước khi tiến hành đàm phán với các nước đối tác.

Cộng đồng kinh tế ASEAN và các mục tiêu hội nhập - ảnh 1

RCEP được khởi động từ tháng 2/2017 và dự kiến sẽ hoàn tất đàm phán vào cuối năm nay. Hiện nay, các thành viên đã giải quyết cơ bản các cuộc đàm phán về tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ cho khoảng 80% tổng số mặt hàng và giá trị kim ngạch. Tuy nhiên, để nắm bắt các cơ hội từ RCEP, các nước ASEAN cần phải thống nhất về tạo thuận lợi thương mại trong nội khối trước, đảm bảo cả khu vực hưởng lợi từ hợp tác và hội nhập kinh tế trong khu vực.

Giảm rào cản thương mại nội khối

Một bước tiến lớn tại Hội nghị AEM Retreat lần này là các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã ký hai văn kiện quan trọng là Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA) và Nghị định thư thứ 4 sửa đổi Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA). Theo đó, ATISA có mục tiêu cải thiện các tiêu chuẩn quy định cho khu vực dịch vụ trong khu vực, giảm bớt những rào cản không cần thiết đối với thương mại dịch vụ trong ASEAN. Nhóm các ngành dịch vụ được hưởng lợi bao gồm chăm sóc sức khỏe, du lịch, khách sạn, nhà hàng, xây dựng, dịch vụ hội nghị và triển lãm. Trong khi đó Nghị định thư thứ 4 sửa đổi ACIA sẽ giải quyết vấn đề các chính phủ đặt ra những điều kiện nhất định đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy đầu tư trong khu vực.

Tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng kinh tế ASEAN cũng nhất trí đẩy nhanh tiến độ hợp nhất các hệ thống một cửa quốc gia khác nhau tại các nước thành viên ASEAN nhằm giải quyết nhanh chóng thủ tục thông quan hàng hóa. Hệ thống một cửa ASEAN (ASW) thúc đẩy thương mại xuyên biên giới bằng việc cho phép thực hiện trao đổi điện tử các giấy tờ liên quan đến thương mại giữa các thành viên ASEAN. Nhờ có ASW, thời gian chờ đợi của hàng hóa tại biên giới có thể sẽ được giảm từ 10 ngày xuống còn 3 ngày.

Hiện nay, các nước ASEAN đang triển khai hệ thống này, hoàn tất các khâu kỹ thuật phục vụ trao đổi thí điểm tờ khai hải quan ASEAN trong 10 nước ASEAN. Đánh giá về nỗ lực hội nhập kinh tế nội khối, giảm rào cản thương mại thông qua cơ chế này, Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới khu vực Đông Á-Thái Bình Dương cho rằng: "Cần biểu dương các chính phủ ASEAN trong nỗ lực triển khai cơ chế 1 cửa ASEAN vì đây là bước đi tiền đề quan trọng. Theo tôi nghĩ cơ chế này chưa thật hoàn hảo, vẫn có thể cải thiện cơ chế này để nó hoạt động đúng nghĩa “1 cửa”. Tuy nhiên, đây vẫn là bước mở đầu quan trọng. Các chính phủ giờ đây cần phải tìm hiểu vấn đề còn tồn đọng trong việc vận hành cơ chế một cửa và tiếp tục hoàn thiện chúng, ví dụ như loại bỏ hạn chế về dữ liệu, hay quy định ban hành để giúp cơ chế 1 cửa vận hành hiệu quả hơn giúp thúc đẩy thương mại giữa các quốc gia".

Cộng đồng kinh tế ASEAN và các mục tiêu hội nhập

Trong năm giữ cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN, Thái Lan đề ra 13 mục tiêu kinh tế đầy tham vọng để thúc đẩy hội nhập khu vực theo 3 trụ cột chính gồm: Hỗ trợ ASEAN chuẩn bị cho Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0; Thúc đẩy kết nối ASEAN thông qua thương mại, đầu tư và du lịch và Tăng cường phát triển kinh tế bền vững trong ASEAN.

ASEAN hiện là tổ chức khu vực có nhiều các hiệp định thương mại tự do nhất và trong tầm nhìn 2025, trong bối cảnh thế giới đang xuất hiện xu hướng chống toàn cầu hóa, bảo hộ mậu dịch thì ASEAN vẫn tiếp tục thực hiện chính sách chủ nghĩa khu vực mở. Điều này mở ra những cơ hội lớn cho quá trình hội nhập khu vực, hội nhập kinh tế toàn cầu của ASEAN. Trong quá trình đó, Việt Nam chủ trương thúc đẩy hợp tác nội khối, cùng ASEAN mở rộng hợp tác với các đối tác bên ngoài, mà RCEP là một Hiệp định được trông đợi. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM Việt Nam cho rằng: "Chúng ta mong muốn thương mại nội khối được đẩy mạnh hơn. Việt Nam hội nhập không phải chỉ với ASEAN mà với rất nhiều quốc gia trên thế giới đặc biệt là các trung tâm các nền kinh tế lớn. Khi Việt Nam đẩy mạnh hội nhập ra bên ngoài, Việt Nam chủ trương, đẩy mạnh cùng các nước nội khối ASEAN để thương mại tăng lên nữa. Nhiều nền kinh tế lớn tham gia và lợi ích kinh tế là rất lớn vì vậy ASEAN cùng chung quyết tâm, nguyện vọng là đẩy nhanh tiến trình đàm phán lên để sớm đạt kết quả".

Trong nội khối, tính đến nay, Việt Nam là một trong 5 nước ASEAN đầu tiên trao đổi tờ khai hải quan điện tử trong cơ chế 1 cửa ASEAN, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN là 98%. Nhằm chuẩn bị cho năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN khác triển khai Kế hoạch Hành động Chiến lược AEC 2025… Thông qua các sáng kiến kết nối trong ASEAN, tầm nhìn Cộng đồng 2025, phấn đấu đưa ASEAN giữ vị trí top 10 nền kinh tế mạnh nhất trên thế giới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu