Cơ hội, thách thức đan xen

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Ngày 30/8, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 16 Phong trào Không liên kết (NAM) chính thức khai mạc tại thủ đô Tehran của Iran. Với chủ đề "Duy trì hòa bình thông qua việc điều hành chung toàn cầu", hội nghị, có sự tham dự của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, đại diện của hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, đã khẳng định được vai trò, tiếng nói quan trọng của tổ chức này trong thế giới hôm nay. 

(VOV5) - Ngày 30/8, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 16 Phong trào Không liên kết (NAM) chính thức khai mạc tại thủ đô Tehran của Iran. Với chủ đề "Duy trì hòa bình thông qua việc điều hành chung toàn cầu", hội nghị, có sự tham dự của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, đại diện của hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, đã khẳng định được vai trò, tiếng nói quan trọng của tổ chức này trong thế giới hôm nay. Là nước chủ nhà đăng cai hội nghị, đồng thời sẽ chính thức tiếp quản cương vị chủ tịch NAM từ Ai cập và đảm nhận trong 3 năm tới (2012 - 2015), với Iran đây vừa là trọng trách nặng nề, nhưng cũng là cơ hội trong bối cảnh cuộc khủng hoảng hạt nhân của nước này đang lâm vào bế tắc. 

Cơ hội, thách thức đan xen - ảnh 1
Nhiều vấn đề quan trọng được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Phong trào Không liên kết lần thứ 16 tại Iran. (Ảnh: giaothongvantai)

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh, cuộc họp chuyên viên cấp cao của NAM và Hội nghị cấp bộ trưởng trong 2 ngày 28 và 29/8 đã kết thúc với nhiều kết quả quan trọng trình lên hội nghị cấp cao. Theo đó, các đại biểu khẳng định quyết tâm theo đuổi hòa bình, công bằng và tôn trọng luật pháp. Theo ông Mohammad Mahdi Akhounzadeh, Thứ trưởng Ngoại giao Iran, Tổng Thư ký của hội nghị, đại diện các quốc gia, vùng lãnh thổ đã đạt được sự thống nhất trong việc bác bỏ mọi hình thức "chiếm đóng" trên thế giới, hủy bỏ vũ khí hạt nhân và kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới tích cực tham gia chiến dịch phản đối các loại vũ khí hóa học. Bên cạnh đó, các ngoại trưởng còn thảo luận các đề xuất lên án các lệnh trừng phạt đơn phương mà phương Tây áp đặt đối với Iran và một số quốc gia khác, đồng thời yêu cầu NAM có tiếng nói lớn hơn tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, kêu gọi thành lập nhà nước Palestine dựa trên đường biên giới năm 1967...

Tại Hội nghị thượng đỉnh này, Tổng thư ký Ban Ki-moon dự định sẽ yêu cầu Iran thực thi những hành động khẩn cấp liên quan đến chương trình hạt nhân, nêu lên những quan ngại của cộng đồng quốc tế liên quan đến chủ nghĩa khủng bố và cuộc khủng hoảng Syria, nhấn mạnh rằng sự hợp tác và tiến bộ trong các vấn đề trên là yêu cầu cấp thiết cho hòa bình, ổn định tại Iran cũng như trong khu vực.

Rõ ràng, từ hội nghị, dư luận cho rằng, chính quyền của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã có sự chuẩn bị kỹ càng. Diễn ra trong bối cảnh chịu nhiều sức ép, bao vây của Mỹ và các nước phương Tây từ cuộc khủng hoảng hạt nhân nhưng Iran đã biết tận dụng diễn đàn quốc tế này thành cơ hội cho mình để nâng cao vị thế ngoại giao, qua đó tranh thủ sự ủng hộ của các nước khác trong tham vọng phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Không phải ngẫu nhiên, ngay trước khi hội nghị diễn ra, chính quyền của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã tái khẳng định rằng, các biện pháp trừng phạt đơn phương hiện nay của phương Tây đều đi ngược lại hiến chương Liên hợp quốc. Iran cũng ngỏ ý sẵn sàng mời đại diện các nước thành viên NAM đến thăm khu quân sự Parchin ở Đông Nam nước này, nơi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nghi ngờ Iran đang thực hiện các thí nghiệm hạt nhân. Đây được coi là nỗ lực mới nhất của Nhà nước Hồi giáo trong việc giới thiệu bản chất dân sự của chương trình phát triển hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Có thể thấy những gì đang diễn ra đã nằm trong sự mong đợi của các quan chức Tehran. Việc tổ chức một hội nghị quốc tế lớn, có tầm cỡ, Iran đã hướng tới nhiều đích đến. Trước hết, Iran đã có được sự ủng hộ mạnh mẽ, thiết lập được nhiều đồng minh quan trọng khi mà cuộc khủng hoảng hạt nhân của nước này với phương Tây vẫn đang ở thế "dậm chân tại chỗ". Đó là việc ông Ban Ki-moon hiện diện ở quốc gia vùng Trung Cận Đông này. Thêm vào đó, sự kiện đi vào lịch sử nhân hội nghị này diễn ra, là việc Cairo - Tehran khôi phục quan hệ ngoại giao sau 3 thập kỷ bị gián đoạn. Việc mời Tổng thống Ai Cập tới tham dự Hội nghị NAM thể hiện sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của Iran với Ai Cập, là một bước đi quan trọng, tạo thuận lợi hơn trong việc bảo vệ an toàn khu vực nếu xảy ra cuộc chiến tranh với Israel. Ngược lại, việc tân Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi nhận lời tham dự Hội nghị cũng cho thấy sức thuyết phục của Iran trong việc kêu gọi thêm đồng minh để giải quyết những nguy cơ đe dọa tới an ninh khu vực. Ngay tại lễ khai mạc hội nghị cấp bộ trưởng của NAM, Thứ trưởng Ngoại giao Ai Cập Ramzy Ezz El Din đã bày tỏ tin tưởng Iran trên cương vị chủ tịch phong trào này trong 3 năm tới sẽ thực hiện thành công những mục tiêu chính mà NAM đã đề ra, trong đó ưu tiên cải cách cơ cấu các thể chế toàn cầu để đáp ứng lợi ích của tất cả các nước thành viên. Thế nhưng, chính điều này đã khiến nhiều nước phương Tây bày tỏ thái độ không hài lòng. Ngay trước chuyến công cán của ông Ban Ki-moon, các nước Mỹ, Canada và Israel kêu gọi đã đưa ra lời kêu gọi người đứng đầu Liên hợp quốc không nên tham dự Hội nghị cấp cao NAM và cho rằng, đây sẽ là "một sai lầm nghiêm trọng". Cái "bắt tay" giữa Ai Cập và Iran đã khiến cho Washington phải đánh giá là một "dấu hiệu bất thường", còn giới chức Tel Aviv thì đau đầu với những toan tính mới...

Hội nghị thượng đỉnh được tiến hành đến hết ngày 31/8. Với những gì đã làm, Iran đã có được những thành công nhất định. Dư luận đang trông đợi, trên cương vị mới với những thách thức nặng nề trong tình hình thế giới hiện nay, liệu Tehran có tìm được hướng đi thích hợp cho mình, trước tiên là bế tắc trong cuộc khủng hoảng hạt nhân giữa nước này với phương Tây. Câu trả lời còn ở phía trước./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu