Trình bày báo cáo Chính phủ tại Phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, diễn ra sáng nay (20/5), tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, việc triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trên cơ sở đó, Chính phủ tiếp tục quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn để hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2024 và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.
Báo cáo khẳng định trong bối cảnh kinh tế khu vực và thế giới gặp rất nhiều khó khăn, nhưng những tháng đầu năm nay, kinh tế vĩ mô trong nước cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 – 2023. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của Việt Nam năm 2024. Đáng chú ý, chỉ số phát triển con người của Việt Nam tăng 8 bậc, xếp thứ 107/193. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Ảnh: VOV |
Trong thời gian tới, nhận định tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tạo thách thức, áp lực lớn lên chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế-xã hội, Chính phủ xác định phải nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, đẩy mạnh tăng tốc, bứt phá để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển.
Kiên định các mục tiêu đề ra
Báo cáo nêu rõ bám sát quan điểm, chỉ đạo điều hành của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong đó chú trọng phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, bảo đảm linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; phản ứng chính sách kịp thời. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: "Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, kiên định mục tiêu đề ra. Tranh thủ tối đa thuận lợi, thời cơ cho phát triển. Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Trong mọi trường hợp phải bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội; động viên, cổ vũ, khơi dậy tinh thần yêu nước, khát vọng vươn lên của doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội".
Báo cáo chính phủ cũng nhấn mạnh tăng cường đoàn kết, thống nhất là yếu tố then chốt tạo hiệu quả cao trong điều hành chính phủ. Bên cạnh đó là việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát; giữ gìn kỷ luật, kỷ cương hành chính; Tháo gỡ ngay những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc.
Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là Chính phủ ưu tiên kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Chính phủ cũng tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và miễn, giảm, gia hạn. Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Về quan hệ hợp tác kinh tế quốc tế và thúc đẩy kinh tế trong nước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: "Tăng cường xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường lớn, khai thác thị trường tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết. Đẩy nhanh đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do với các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Khối thị trường chung Nam Mỹ... Phát triển mạnh thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng. Thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi, mô hình kinh doanh mới".
Sầu riêng, một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu mang lại giá trị cao của Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Quang |
Về các nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành mục tiêu kinh tế-xã hội những tháng cuối năm nay, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh ưu tiên phát triển mạnh nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ, công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, trong đó phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững, phấn đấu năm nay đạt mục tiêu thu hút được 18 triệu lượt khách quốc tế. Về công tác đối ngoại, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: "Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn lực cho phát triển đất nước, nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam. Trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết mới về hội nhập quốc tế. Tham gia tích cực, đẩy mạnh vận động ứng cử vào các cơ quan, diễn đàn đa phương; chuẩn bị đăng cai các sự kiện quan trọng. Tăng cường ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hoá và đối ngoại nhân dân; làm tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân".
Phó Thủ tướng tin tưởng Chính phủ sẽ vượt qua mọi thách thức, tận dụng mọi cơ hội, phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu đề ra cho năm 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2025.