Diễn ra từ ngày 23-24/05 tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản, Hội nghị “Tương lai châu Á” Nikkei lần thứ 29 năm nay đặt trọng tâm vào việc thảo luận vai trò dẫn dắt của châu Á trong một thế giới ngày càng phức tạp, gây ra bởi bất ổn địa chính trị và khủng hoảng khí hậu.
Quang cảnh Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 28. Ảnh tư liệu: TTXVN
|
Là một trong những diễn đàn thường niên hàng đầu khu vực để thảo luận về các vấn đề kinh tế, chính trị của châu Á, Hội nghị “Tương lai châu Á” Nikkei lần thứ 29 có chủ đề “Sự lãnh đạo của châu Á trong một thế giới bất ổn”.
Rủi ro kinh tế
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1995 bởi Nikkei, tập đoàn báo chí tài chính-kinh tế hàng đầu của Nhật Bản, Hội nghị “Tương lai châu Á” là diễn đàn tập hợp các chính trị gia, các nhà quản lý kinh tế, học giả từ các quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á-Thái Bình Dương để cùng thảo luận một cách cởi mở về những vấn đề của khu vực cũng như vai trò của châu Á trên thế giới. Tại Hội nghị năm nay, các đại biểu sẽ thảo luận nhiều chủ đề, như: triển vọng kinh tế châu Á; hợp tác khu vực để xây dựng hệ sinh thái số; nỗ lực của châu Á trong việc đạt mục tiêu không phát thải (net-zero); vai trò của Nhật-Mỹ-Hàn đối với an ninh Đông Bắc Á, và đặc biệt là triển vọng kinh tế khu vực thời gian tới trước những biến động mạnh mẽ trên thế giới.
Giám đốc Bộ phận châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Krishna Srinivasan. Ảnh: IMF/TTXVN |
Trong báo cáo triển vọng kinh tế công bố hôm 16/05, Liên hiệp quốc (LHQ) đánh giá kinh tế châu Á nhìn chung tương đối lạc quan, nhất là với khu vực Đông Á (Đông Bắc Á và Đông Nam Á). Cụ thể, LHQ dự báo các nền kinh tế ở khu vực Đông Á nói chung sẽ đạt mức tăng trưởng 4,6% trong năm nay và 4,5% trong năm sau. Kết quả này được củng cố bởi nhu cầu nội địa mạnh, ngành du lịch tiếp tục phục hồi và xuất khẩu hàng hóa có dấu hiệu cải thiện. Trong dự báo hồi tháng 4, Krishna Srinivasan, Giám đốc Bộ phận châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cũng đưa ra nhận định tương tự: “Động lượng tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á từ nửa cuối năm ngoái tiếp tục được thể hiện trong năm nay. Chúng tôi dự đoán kinh tế châu Á tăng trường 4,5% năm nay, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo tháng 10 năm ngoái. Về tổng thể, châu Á sẽ đóng góp 60% vào tăng trưởng toàn cầu năm nay ”.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng hiện vẫn có nhiều yếu tố đe doạ tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á, đặc biệt là việc lãi suất cao được duy trì trong thời gian dài ở nhiều nền kinh tế lớn của thế giới. Chuyên gia kinh tế Koichi Fujishiro thuộc Viện nghiên cứu đời sống Dai-ichi (Nhật Bản), nhận định việc đồng USD mạnh, do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lãi suất cao, đang tác động tiêu cực đến triển vọng kinh tế Nhật Bản và một số nền kinh tế châu Á khác phụ thuộc nhiều vào năng lượng và lương thực nhập khẩu. Do đó, tại Hội nghị, các thảo luận về chính sách kinh tế, tiền tệ tự chủ hơn của châu Á trong tương lai sẽ là một nội dung đáng chú ý. Tauhid Ahmed, Giám đốc điều hành Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính Indonesia, nhận định: “Chính phủ Indonesia trên thực tế đã bắt đầu thực thi một số chính sách phi dollar hoá. Vấn đề chính ở đây là việc đồng ý sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch thương mại và dịch vụ, ví dụ thương mại giữa Indonesia với Malaysia và Singapore có thể được thực hiện bằng tiền của các nước này hoặc có thể dùng đồng rupiah của Indonesia, thay vì bằng USD, hay giao dịch với Trung Quốc bằng đồng Nhân dân tệ (RMB)”.
Rủi ro khí hậu tương lai
Bên cạnh các vấn đề kinh tế, công nghệ, an ninh, 1 chủ đề dự kiến chiếm thời lượng thảo luận lớn tại Hội nghị “Tương lai châu Á” năm nay là việc xây dựng các cơ chế chung giữa các nước châu Á nhằm ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Chủ đề này đang ngày càng trở nên cấp thiết khi báo cáo được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công bố ngày 23/4 cho thấy châu Á là khu vực chịu nhiều thiên tai nhất thế giới trong năm ngoái, gây thương vong lớn về người và thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Theo báo cáo của WMO, châu Á ghi nhận 79 thảm họa liên quan các sự kiện khí tượng thủy văn trong năm ngoái. Hơn 80% trong số các thảm họa này là lũ lụt và bão, cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người. Báo cáo của tổ chức này cũng xác nhận rằng châu Á đang nóng lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu.
Ngay trước và trong thời điểm diễn ra Hội nghị, châu Á cũng đang trải qua tháng 4 nóng nhất trong lịch sử, với các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài từ Nam Á (Ấn Độ, Bangladesh) sang Đông Á (Thái Lan, Philippines, Việt Nam), đồng thời lũ lụt nghiêm trọng diễn ra ở Trung Quốc, UAE, Oman, Aghanistan… Theo nhà khoa học khí hậu Thái Lan, Petch Manopawitr, trong tương lai châu Á sẽ phải tính đến việc có những vùng đất không thể sinh sống nổi vì biến đổi khí hậu: “Hình mẫu về các vùng đất không thể sinh sống đang tới, bởi lẽ chúng ta có thể sẽ không thể nào thích ứng được với nắng nóng hiện nay. Chúng ta nghĩ rằng có thể quen với thời tiết nóng nhưng với nhiệt độ và các đợt nắng gay gắt kéo dài cường độ cao như hiện nay, tôi nghĩ chúng ta cần phải chuẩn bị cho dân chúng quen với rủi ro đó”.
Theo giới quan sát, sự có mặt của lãnh đạo các quốc gia đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt tại Hội nghị năm nay, như: Thủ tướng Malaysia, Anwar Ibrahim; Thủ tướng Thái Lan, Srettha Thavisin; Phó Thủ tướng Campuchia, Sun Chanthol… sẽ giúp các thảo luận về khủng hoảng khí hậu châu Á được chú trọng hơn.