Chuyến công du nhiều tham vọng

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang thực hiện chuyến công du kéo dài 11 ngày tới 9 nước Châu Âu và Trung Đông. Khác với người tiền nhiệm trước đây chọn Châu Á là điểm dừng chân đầu tiên thì đích đến của ông John Kerry lần này được xem là dấu hiệu khôi phục sự quan tâm của Mỹ đối với “Lục địa già”, đồng thời khẳng định vai trò tích cực trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình ở Trung Đông. Tuy nhiên, chuyến công du với lịch trình dày đặc của ông J.Kerry, được giới phân tích đánh giá mới chỉ dừng ở mức độ“lắng nghe” và “tiếp nhận”, chứ chưa có những bước đột phá cụ thể gì.

(VOV5) - Tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang thực hiện chuyến công du kéo dài 11 ngày tới 9 nước Châu Âu và Trung Đông. Khác với người tiền nhiệm trước đây chọn Châu Á là điểm dừng chân đầu tiên thì đích đến của ông John Kerry lần này được xem là dấu hiệu khôi phục sự quan tâm của Mỹ đối với “Lục địa già”, đồng thời khẳng định vai trò tích cực trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình ở Trung Đông. Tuy nhiên, chuyến công du với lịch trình dày đặc của ông J.Kerry, được giới phân tích đánh giá mới chỉ dừng ở mức độ“lắng nghe” và “tiếp nhận”, chứ chưa có những bước đột phá cụ thể gì.

Chuyến công du nhiều tham vọng - ảnh 1

Ông J. Kerry đã đến Anh vào ngày 24/2, bắt đầu cho chuyến đi ngoại giao kéo dài 11 ngày thăm 9 nước, bao gồm Anh, Đức, Pháp, Itali, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và Qatar. Ông John Kerry đang thực hiện chính sách ngoại giao mới của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong nhiệm kỳ 2 là ưu tiên duy trì quan hệ vững mạnh với các đồng minh hàng đầu tại châu Âu, đồng thời cải thiện quan hệ với các quốc gia Arab.

Minh chứng đầu tiên cho chính sách trên là tại các cuộc gặp ngày 25/2 tại Anh giữa ông J.Kerry và Thủ tướng nước chủ nhà David Cameron và người đồng cấp William Hague. Ngoài nội dung ưu tiên liên quan đến vấn đề rút quân tại Afghanistan, phối hợp hành động tăng cường sức mạnh của liên quân, Washinton còn muốn lắng nghe dự định của London về cuộc trưng cầu dân ý đối với vấn đề nên đi hay ở lại EU. Là đồng minh thân thiết và lâu đời nhất của Mỹ, 1 điều mà chắc chắn Mỹ không bao giờ muốn là Anh đứng ngoài EU, nhất là trong thời điểm cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đang có dấu hiệu cải thiện hơn và một Hiệp định thương mại tự do Mỹ-EU đang khởi động. Trong thông điệp liên bang hồi đầu tháng này, ông B.Obama đã tỏ rõ sự quan tâm tới các cơ hội tiềm tàng trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương bằng việc công bố kế hoạch liên quan tới các cuộc đàm phán về “thương mại xuyên Đại Tây Dương và quan hệ đối tác đầu tư”, có thể giúp hình thành nên một khu vực tự do thương mại lớn nhất trên thế giới. Vì vậy, khi tới Berlin (Đức), Paris (Pháp), Ngoại trưởng Mỹ cũng bàn bạc với lãnh đạo các nước chủ nhà về tăng cường quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây Dương.

Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm hơn trong chính sách đối ngoại của Mỹ qua chuyến công du này nằm ở các vấn đề Trung Đông bao gồm cuộc nội chiến tại Syria, vấn đề hạt nhân Iran và hòa bình Israel-Palestin. Tại Rome (Italia), ngày 28/2, ông J.Kerry sẽ tham gia một Hội nghị quốc tế với đại diện của phe đối lập Syria để bàn thảo và tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng kéo dài 23 tháng qua. Nhưng ngay trước thềm chuyến thăm này, lực lượng đối lập tại Syria đã đe dọa không tham dự do lực lượng này cho rằng Mỹ chưa ủng hộ họ nhiệt tình bằng cách cung cấp vũ khí. Khi nhậm chức ông J.Kerry đã từng tiết lộ sẽ có những ý tưởng mới để thuyết phục Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ bỏ quyền lực nhưng cho đến nay dư luận vẫn đang trông đợi Washington sẽ chọn giải pháp thông qua con đường ngoại giao hay cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập tại Syria, như đã từng áp dụng với Lybia, để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này. Một yếu tố nữa mà trong chuyến công du này tân Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry không thể bỏ qua là làm sao thuyết phục Nga, đồng minh quan trọng của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đồng thuận với Mỹ trong giải quyết tình trạng bất ổn tại Syria. Đây quả là một nhiệm vụ hết sức khó khăn bởi từ trước đến nay Nga vẫn luôn duy trì quan điểm vấn đề của Syria phải do người dân nước này tự quyết định chứ không phải do can thiệp từ bên ngoài. Ngoài ra, vấn đề hạt nhân của Iran cũng đang là một thách thức lớn đối với Washington khi mà trùng với thời điểm tân ngoại trưởng Mỹ thực hiện chuyến công du, vòng đàm phán hạt nhân P5+1 giữa Iran với 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc bắt đầu diễn ra với rất nhiều dấu hiệu báo trước sẽ chẳng thu được kết quả gì, ít ra là cho đến thời điểm bầu cử Tổng thống Iran vào tháng 6 năm nay. Dừng chân tại Ai Cập, ông J. Kerry mang thông điệp Mỹ muốn tìm kiếm sự bắt tay của chính phủ mới của Ai Cập, nhưng xem ra nhiệm vụ này cũng không dễ chút nào bởi Tổ chức Anh em Hồi giáo, vốn không ưa Mỹ, đang điều hành đất nước. Tại Arab Saudi, UAE, Qatar – những đầu mối liên lạc chính của Mỹ tại Trung Đông- ông J.Kerry sẽ có thêm nhiều thông tin để đối phó với các cuộc khủng hoảng tại Syria, Afghanistan và tiến trình hòa bình Trung Đông.

Không chọn Châu Á như người tiền nhiệm Hillary Clinton trong chuyến công cán đầu tiên, đích đến của tân Ngoại trưởng Mỹ cho thấy, thay vì theo đuổi các mục tiêu lâu dài, Washington đang tập trung can thiệp các vấn đề ngắn hạn. Mỹ đã có điều chỉnh chiến lược cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng không vì thế mà xao nhãng những khu vực có lợi ích chiến lược của Washington lâu nay. Rõ ràng, sự đảo chiều trong đường lối ngoại giao này được cho là nhằm củng cố vị thế, tầm ảnh hưởng của Mỹ tại Châu Âu và Trung Đông. Vì vậy, chuyến đi kéo dài 11 ngày của tân Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry được coi là “chuyến công du lắng nghe”, nhưng rất quan trọng, bởi nó khởi động cho một tiến trình mới, đó là xây dựng nền tảng chung với các đồng minh chính tại Châu Âu và Trung Đông, mở ra cơ hội để Mỹ cải thiện quan hệ với thế giới Arab./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu