Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày quân đội Mỹ rải chất hóa học dioxin xuống Việt Nam, hậu quả của hành động đó vẫn đang ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của nhân dân, đến môi trường và sự phát triển kinh tế-xã hội. Những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều chính sách, biện pháp thiết thực, có hiệu quả trong việc khắc phục, xử lý hậu quả tồn lưu của chất độc hóa học sau chiến tranh, trong đó có các hoạt động giúp đỡ, chăm sóc các nạn nhân và xử lý ô nhiễm môi trường.
Ảnh: VOV |
Theo kết quả các công trình nghiên cứu ở Việt Nam và nước ngoài, từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã phun rải gần 80 triệu lít chất độc hóa học, gồm chất da cam, chất hồng, chất trắng, chất tím, chất xanh da trời..., 61% trong số đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam, tương đương khoảng ba triệu hecta. Các hóa chất độc đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, hệ sinh thái các địa phương.
Tập trung xử lý “điểm nóng” dioxin
Sân bay Phù Cát, sân bay Đà Nẵng và sân bay Biên Hòa được đánh giá là 3 “điểm nóng” ô nhiễm chất da cam/dioxin rất nặng. Hàm lượng dioxin trong chất, trong bùn ở những nơi này cao hàng trăm, có nơi hàng ngàn lần ngưỡng cho phép. Trước thực trạng này, nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành các kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam qua các giai đoạn; đã đầu tư nhiều công trình khảo sát, nghiên cứu khoa học, tiến hành một số dự án xử lý khu vực đất nhiễm dioxin, ngăn chặn, chống lan tỏa chất độc hóa học.
Năm 2015, với sự hỗ trợ từ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), Việt Nam hoàn thành công trình xây dựng bãi chôn lấp dioxin tại sân bay Phù Cát (Bình Định) và xử lý được hơn 7.500 m3. Nỗ lực này đã đưa sân bay Phù Cát ra khỏi danh sách các điểm nóng dioxin cần xử lý ngay ở Việt Nam. Tiếp đó, từ tháng 08/2012 đến tháng 11/2018, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Bộ Quốc phòng Việt Nam thực hiện và hoàn thành dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, bàn giao lại 13,7ha đất sạch đã xử lý dioxin với khoản tài trợ 110 triệu USD. Từ tháng 04/2019, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tiếp tục phối hợp với Quân chủng Phòng không Không quân của Việt Nam triển khai dự án xử lý triệt để dioxin tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) có tổng kinh phí hơn 390 triệu USD, được thực hiện trong khoảng 10 năm. Sân bay Biên Hòa là nơi bị ô nhiễm dioxin nặng nề nhất Việt Nam với hơn 52 ha với hơn 500 nghìn m3 đất, đá bị nhiễm chất độc da cam cần phải xử lý, tẩy độc.
Với những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế, đến nay, công tác xử lý ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin tới môi trường đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, cho rằng: "Thứ nhất, hoạt động này phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và khắc phục hậu quả dioxin trên người và trong thiên nhiên. Thứ 2, hoạt động này đóng góp cho quá trình phát triển quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, hai nước đã có sự nỗ lực bằng những hành động cụ thể, để giải quyết một vấn đề cụ thể dioxin. Thứ 3, là hiệu quả về công nghệ. Trong quá trình xử lý dioxin, Việt Nam đã học hỏi được những công nghệ, thử nghiệm được những cách làm, tính toán được những quy trình, cách làm để làm sao hiệu quả nhất, đạt kết quả tốt nhất, trong thời gian ngắn nhất, với kinh phí vừa phải".
Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam
Việt Nam hiện có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Đặc biệt, ở Việt Nam ghi nhận di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 3, thứ 4, gây ra nhiều nhóm bệnh dị tật, dị dạng bẩm sinh, ung thư… Do đó, song song với công tác xử lý môi trường, Đảng, Nhà nước cũng quan tâm sát sao tới hoạt động hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin thông qua ban hành các chế độ, chính sách dành cho với nạn nhân da cam/dioxin, huy động nhiều nguồn để triển khai các dự án hỗ trợ nạn nhân về sản xuất, y tế, giáo dục, phục hồi chức năng. Những năm qua đã có nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam được hưởng bảo hiểm y tế hoặc khám chữa bệnh miễn phí, được tham gia phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, khử độc dioxin… Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, cho biết: "Hiện nay, Trung ương Hội cùng với các tỉnh đã xây dựng được khoảng 4 – 5 Trung tâm xông hơi tẩy độc. Khi thực hiện theo đúng quy trình, có thể giải độc dioxin trong người và tăng cường sức khỏe cho các nạn nhân".
Cùng với đó, các cấp Hội nạn nhân chất độc da cam cũng vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước xây dựng các nguồn quỹ để đầu tư xây dựng trung tâm dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam, thăm hỏi, tặng quà, nhằm cải thiện đời sống và sức khỏe của nhiều nạn nhân da cam/dioxin… Việt Nam phối hợp với nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế chăm sóc giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Bà Đỗ Thị Nhài, có con gái là nạn nhân chất độc da cam, tại huyện Thạch Thất, Hà Nội, cho biết: "Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến các nạn nhân chất độc da cam, chúng tôi rất xúc động. Đây cũng là nguồn động viên lớn đối với tôi giúp tôi có động lực chăm sóc con, cũng lấy tinh thần này để cố gắng chăm sóc cháu đến nơi đến chốn, khắc phục mọi khó khăn".
Chiến tranh đã lùi xa, những nỗi đau da cam/dioxin vẫn còn đó. Nhưng với sự nỗ lực, chung tay của Đảng, Nhà nước, cộng đồng xã hội cùng các tổ chức quốc tế, hậu quả của chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam vẫn đang được từng bước xử lý, hướng tới mục tiêu mang lại môi trường an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người dân cũng như làm vơi bớt nỗi khó khăn, vất vả cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam.