Tham nhũng và đấu tranh phòng, chống tham nhũng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, hơn 90 năm qua, Đảng cộng sản Việt Nam luôn quan tâm tới công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng hiện càng được củng cố trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.
Năm 2011, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng cộng sản Việt Nam cảnh báo: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp”. Sau 5 năm nỗ lực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tình hình có chuyển biến hơn, song như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đánh giá: “Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Do đó Đảng và Nhà nước luôn xác định công tác phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn và phức tạp.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đánh giá: “Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”.
Ảnh: Báo Hà Nội mới. |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, khẳng định: "Đây là con đường của Đảng, luật pháp là do chúng ta làm ra nếu cần thì sửa luật. Chúng ta là nhà nước pháp quyền, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, có sự phối hợp. Dù ý kiến cá nhân có thể khác nhau, nhưng phải vì lợi ích của tập thể. Từng đồng chí trước hết phải đặt mình với cương vị là một cán bộ của Đảng được phân công làm nhiệm vụ này, không được “cua cậy càng, cá cậy vây”, tuyệt đối không được dính líu cá nhân, dẫn đến làm méo mó, lệch lạc.”
Cùng với thời gian, nhận định “Tham nhũng tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước” càng chính xác hơn khi từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp có thẩm quyền đã xử lý kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố 8.883 vụ/ với 15.000 bị can, về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý 477 nghìn tỷ đồng và hơn 8.600 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm hơn 8.700 tập thể, nhiều cá nhân và chuyển cơ quan điều tra, xử lý 451 vụ/648 đối tượng.
Ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Viện Kiểm soát nhân dân tối cao cho biết: "Viện Kiểm soát nhân dân tối cao đã phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chức vụ do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp đã sâu sát và hiệu quả hơn; việc phát hiện, xử lý vi phạm được tăng cường và ngày càng chặt chẽ; số lượng, chất lượng các bản kháng nghị, kiến nghị tiếp tục được nâng lên; tỷ lệ kháng nghị được Tòa án chấp nhận đạt cao, góp phần tăng cường pháp chế trong hoạt động tư pháp."
Từ những kết quả này, Trung tướng Triệu Xuân Hòa, Nguyên Tư lệnh Quân khu 7 nhận định, với những kinh nghiệm lãnh đạo gần 90 năm qua, chắc chắn Đảng cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều chiến lược dài hạn và ngắn hạn để cải cách thể chế, đấu tranh chống tham nhũng, lãnh đạo đất nước phát triển nhanh hơn, mạnh hơn nữa:
"Chống tham nhũng thì dứt khoát phải tiếp tục. Phải làm sao đó để vừa răn đe, vừa tạo điều kiện cho người ta sửa chữa. Đặc biệt, phải đưa vào để giáo dục tầng lớp cán bộ trẻ sau này, tránh những hiện tượng đó. Bởi thực tế ra tham nhũng có những người rất tham, thế nhưng cũng có những người do tai nạn, có những người do kinh nghiệm." Ông Xuân Hòa nói,
Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 80 văn bản nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng. Quốc hội ban hành 63 luật, pháp lệnh, 66 nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 611 Nghị định, 532 Nghị quyết, 197 Quyết định. Đáng lưu ý, mới đây nhất, tại phiên họp Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo, cần khẩn trương hoàn thành ban hành một văn bản rất quan trọng là Quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Trên tinh thần là mục tiêu hàng đầu trong chống tham nhũng lúc này là: “Vừa phải chống tham nhũng có hiệu quả, vừa tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp”, không để lọt vào cấp ủy những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Bây giờ, tâm trạng xã hội, cũng là mong muốn của cán bộ, đảng viên, lo rằng đại hội đến nơi rồi, liệu có dám làm không, có tiếp tục duy trì được không… Phân tích kỹ bối cảnh cho thấy không có tư tưởng ấy. Yêu cầu nhiệm vụ sắp tới là phải tập trung phục vụ nhiệm vụ chính trị, trọng tâm là phục vụ việc tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp."
Kết quả khả quan về công tác phòng, chống tham nhũng vừa qua khẳng định được tính toàn diện, sâu sắc của các biện pháp phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã và đang thực hiện để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.