Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Trong bài viết nhan đề “Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người” đăng trên các báo lớn nhân ngày Nhân quyền Thế giới hôm nay 10/12/2013, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định con người vừa là trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong quá trình phát triển ở Việt Nam.

(VOV5) - Trong bài viết nhan đề “Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người” đăng trên các báo lớn nhân ngày Nhân quyền Thế giới hôm nay 10/12/2013, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định con người vừa là trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong quá trình phát triển ở Việt Nam. Việc Việt Nam tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc với hành trang là những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực nhân quyền góp phần nâng cao vị thế của Việt, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân quyền và các cơ chế khác của Liên hiệp quốc về nhân quyền.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người - ảnh 1



Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nhấn mạnh việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc xuất phát từ chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là bảo vệ, thúc đẩy các quyền con người và tích cực đóng góp vào hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.Việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc với số phiếu cao nhất trong số 14 nước mới trúng cử là sự ghi nhận rộng rãi và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với các thành tựu trong công cuộc đổi mới toàn diện, chính sách, nỗ lực và kết quả tích cực đạt được về quyền con người ở Việt Nam.

Quyền con người được bảo đảm trên thực tế

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định con người vừa là trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong quá trình phát triển và công cuộc đổi mới toàn diện ở Việt Nam. Các quyền và tự do cơ bản của nhân dân Việt Nam được thể chế hóa bằng Hiến pháp, pháp luật và bảo đảm thực hiện bằng nhiều chủ trương, chính sách và cơ chế. Các quyền con người về dân sự, chính trị được thể hiện rõ trong đời sống chính trị, xã hội sôi động của đất nước. Quốc hội đã ban hành, sửa đổi nhiều đạo luật, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo đảm quyền con người trong mọi lĩnh vực, tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt thông qua các phiên chất vấn công khai. Quyền của người dân cũng được thực hiện hiệu quả hơn qua những cải cách tư pháp, hành chính. Tiếng nói của nhân dân về các vấn đề của đất nước được phát huy qua nhiều bộ luật quan trọng về báo chí, khiếu nại, tố cáo, quy chế dân chủ cơ sở, các tổ chức chính trị xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng phát triển nhanh chóng, đa dạng. 

Ở Việt Nam, mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc đều bị nghiêm cấm. Mọi mặt trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện không ngừng. Thực tế đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào hết sức phong phú với sự có mặt của tất cả các tôn giáo chính trên thế giới. Các quyền về kinh tế, xã hội, văn hóa, đặc biệt thể hiện ở quyền sở hữu, tự do sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, sáng tạo và thụ hưởng các thành quả văn hóa, bình đẳng giới, quyền cho những nhóm dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, về giáo dục, y tế của người dân được bảo đảm ngày càng tốt. Các thành tựu đó cũng tạo thêm nguồn lực và điều kiện thực tế cho việc thụ hưởng các quyền về dân sự, chính trị. Cộng đồng quốc tế đặc biệt đánh giá cao, coi Việt Nam như một điểm sáng trên nhiều vấn đề thuộc chương trình nghị sự của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc như xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao chỉ số phát triển con người, hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ về Phát triển.

Nỗ lực hợp tác quốc tế về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người

Việt Nam hiện là thành viên của hầu hết các điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người, trong đó có: Công ước về các quyền dân sự, chính trị; Công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; Công ước về quyền trẻ em; Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Việt Nam cũng vừa ký Công ước quốc tế về chống tra tấn và đang nỗ lực hoàn tất các quy định về thủ tục để phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật vào năm 2014. Việt Nam cũng đã tham gia 18 điều ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quyền của người lao động. Trong 7 năm qua kể từ khi Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc được thành lập, với tư cách là quan sát viên, Việt Nam đã tích cực đóng góp ý kiến trên nhiều vấn đề thuộc chương trình nghị sự và tham gia xây dựng các nghị quyết, quyết định của Hội đồng. Trong phạm vi khu vực, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trong việc thành lập Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về nhân quyền, Ủy ban ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy các quyền của phụ nữ và trẻ em và việc Tuyên bố Nhân quyền ASEAN. Việt Nam cũng tăng cường hợp tác, đối thoại song phương với nhiều nước về nhân quyền để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm đảm bảo tốt hơn các quyền con người tại Việt Nam và các nước liên quan.

Tham gia tích cực vào công việc của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc

Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác với các cơ chế, thủ tục của Hội đồng Nhân quyền, sẵn sàng cùng các nước thành viên và đối tác quốc tế khác đưa ra các sáng kiến, thúc đẩy các vấn đề mới vì lợi ích chung, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế khác của LHQ về nhân quyền theo hướng thúc đẩy đối thoại, không đối đầu và chính trị hóa, phát huy cách tiếp cận cân bằng, khách quan, toàn diện về các vấn đề đặt ra. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phậm Bình Minh cho rằng những kinh nghiệm của quá trình Đổi mới, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam và vị trí của Việt Nam là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Phong trào Không liên kết, Cộng đồng Pháp ngữ và nhiều tổ chức quốc tế, khu vực khác sẽ góp phần có ý nghĩa vào việc thúc đẩy công việc của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu