(VOV5) - Giảm nghèo toàn diện và bền vững luôn được xác định là ưu tiên hàng đầu trong đường lối, chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước Việt Nam, nhằm bảo đảm quyền con người và thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Những năm qua, nhờ các thành tựu về tăng trưởng kinh tế, sự tập trung ưu tiên và những nỗ lực to lớn trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, Việt Nam đã đạt những bước tiến vượt bậc, hoàn thành trước thời hạn mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói giảm nghèo.
|
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhận định: Năm 1993, Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới với bình quân thu nhập đầu người chỉ khoảng 100 đô la Mỹ và có các chỉ số thấp kém về phát triển xã hội. Ngày nay, Việt Nam là một nước có thu nhập trung bình đang lên, với nền kinh tế có quy mô gần 154 tỉ đô la Mỹ và thu nhập bình quân đầu người khoảng 1700 đô la Mỹ.
Tỉ lệ hộ nghèo đã giảm từ 58% năm 1993 xuống còn khoảng 10% năm 2012, với hơn 30 triệu người thoát nghèo. Các chỉ số phúc lợi xã hội hiện cao hơn phần lớn các nước có cùng mức thu nhập và thậm chí cả một số nước có thu nhập cao hơn.
Việt Nam đã đạt được 5 trong số 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỉ (MDGs) ban đầu và đang trên đường hoàn thành nốt 3 mục tiêu nữa vào năm 2015. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam đang đứng thứ 6 trên toàn cầu về thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.