Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) mới đây đã kết thúc dưới sự chủ trì của nước Anh, trong vai trò Chủ tịch luân phiên. Một điểm nổi bật được nêu trong Tuyên bố chung tại hội nghị là các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí tăng cường hợp tác trong ứng phó với đại dịch COVID-19, cam kết xóa bỏ chủ nghĩa dân tộc vaccine, coi hợp tác, chia sẻ công bằng vaccine chính là chìa khóa đẩy lùi đại dịch.
Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. |
Theo tuyên bố chung Hội nghị, G7 nhất trí tăng tài trợ cho chương trình sáng kiến vaccine toàn cầu lên tới 7,5 tỷ USD thông qua chương trình phân phối vaccine quốc tế COVAX, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng và dẫn dắt. Quan trọng nhất là nhóm các nước G7 nhất trí chia sẻ một phần vaccine đã đặt mua cho các nước đang phát triển.
Chung tay ứng phó thách thức
Thông điệp chung đưa ra tại Hội nghị G7 là cuộc chiến đẩy lùi dịch Covid-19 toàn cầu sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu như người dân các nước giàu đều được tiêm vaccine COVID-19 trong khi người dân các nước đang phát triển lại không có đủ vaccine để tiêm. Do vậy, điều cần thiết và cấp bách nhất hiện nay là cùng nhau hành động, cần phải đảm bảo cả thế giới đều được tiêm vaccine COVID-19 để cả thế giới cùng vượt qua đại dịch này.
Trên cương vị Chủ tịch luân phiên G7, Anh đi đầu trong nỗ lực chung này bằng cam kết sẽ chuyển khoảng hơn một nửa số liều vaccine thừa của Anh cho các nước đang phát triển thông qua chương trình COVAX. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng gấp đôi đóng góp tài chính vào chương trình COVAX lên tới 1 tỷ euro. Các nước EU đều đã đóng góp trực tiếp cho chương trình COVAX. Đức cam kết chi thêm 1,5 tỷ euro cho các chương trình tiêm chủng COVID-19 toàn cầu, chẩn đoán và điều trị căn bệnh này. Pháp cam kết dành ra tối đa 5% lượng vaccine mua được để chia sẻ cho các nước đang phát triển.
Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định cam kết sẽ tài trợ thêm 4 tỷ USD cho chương trình COVAX , trong đó 2 tỷ USD sẽ được Mỹ chi ngay lập tức, nhưng chỉ đồng ý san sẻ vaccine cho các nước đang phát triển sau khi mọi người dân Mỹ đã được tiêm đủ.
Trong khi đó, trên phạm vi toàn cầu, tính đến nay, Trung Quốc đã cung cấp hơn 424 triệu liều vaccine cho 27 nước và Nga cung cấp 388 triệu liều cho 20 nước. Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, đang nỗ lực cung cấp vaccine COVID-19 cho các nước láng giềng cũng như những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở châu Phi.
Xóa bỏ chủ nghĩa dân tộc vaccine
Vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca. (Ảnh: PAP/TTXVN) |
Cuộc đua tìm mua vaccine giữa các nước trên thế giới bắt đầu nóng lên từ đầu năm nay khi nhiều nghiên cứu vaccine đã công bố thành công và đưa vào sản xuất. Trên thực tế, một số nước giàu đã bỏ tiền đặt mua với số lượng lớn từ năm 2020 khi các vaccine còn đang nghiên cứu thử nghiệm. Trong khi đó, các nước nghèo, đang phát triển hiện mới đặt mua thì sẽ phải đợi chờ và phải mua thông qua bỏ thầu.
Tới nay, tính chung trên thế giới có khoảng 130 nước chưa tiếp cận được vaccine. Chính vì vậy, để đẩy lùi dịch bệnh thì việc phân phối vaccine cần được thực hiện một cách công bằng. Chỉ khi tất cả mọi người dân trên thế giới đều được tiếp cận vaccine, khi đó hoạt động giao thương quay trở lại bình thường, tạo điều kiện phục hồi kinh tế toàn cầu. Chìa khóa chấm dứt dịch bệnh toàn cầu là các quốc gia trên thế giới phải đảm bảo tinh thần đoàn kết và chấm dứt sự phân biệt trong quá trình phân phối vaccine.
Mới đây, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cảnh báo việc các nước dự trữ vaccine ưu tiên lợi ích quốc gia có thể gián tiếp làm trầm trọng thêm đại dịch, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn “chủ nghĩa dân tộc” trong kế hoạch phân phối vaccine toàn cầu.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang ảnh hưởng nặng nề trên phạm vi toàn cầu, dù có dấu hiệu giảm tốc độ lây lan, Hội nghị thượng đỉnh G7 nhận được sự đồng thuận, cam kết từ những nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới, là một tín hiệu tích cực, thắp lên ngọn lửa đoàn kết, chia sẻ, hợp tác, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19./.