Nhằm hạn chế các tác động bất lợi ngày càng tăng lên của cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng bắt nguồn từ xung đột Nga-Ukraine, các quốc gia châu Âu đã và đang triển khai nhiều giải pháp đối phó mạnh mẽ. Trong đó, hàng loạt gói cứu trợ lớn chưa từng có trong lĩnh vực năng lượng đã được tung ra. Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp đối phó khủng hoảng này được cho là cần có thêm nhiều thời gian để kiểm chứng.
Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Paris, Pháp. (Ảnh: AFP/TTXVN |
Báo cáo tại nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cho thấy, giá năng lượng và nhiêu liệu hiện đã cao gấp nhiều lần cùng kỳ năm 2021 và rất có thể sẽ tiếp tục thiết lập thêm các kỷ lục mới. Chẳng hạn tại Đức, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu và cũng là quốc gia tiêu thụ năng lượng hàng đầu châu lục, giá hợp đồng bán sỉ (bán buôn) điện cho năm 2023 đã lên mức cao kỷ lục là 1.050 EURO/MWh vào cuối tháng 8 vừa qua, cao gấp 14 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong một báo cáo công bố tuần trước, Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) khẳng định, nước này “đang phải vật lộn để ngăn chặn cuộc khủng hoảng năng lượng đang trở nên trầm trọng sau khi Nga cắt gần như hoàn toàn nguồn cung khí đốt tự nhiên”. Còn tại nước Anh, quốc gia cựu thành viên EU, hóa đơn tiền điện trung bình hàng năm của các hộ gia đình trong năm 2022 đã tăng tới 54%, lên mức gần 2.000 bảng Anh.
Thực trạng
Để đối phó với tình trạng thiếu năng lượng nghiêm trọng trong bối cảnh mùa đông đang đến gần, các nước châu Âu đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó một số giải pháp được đánh giá là chưa từng có tiền lệ. Tại Đức, Chính phủ nước này hôm 4/9 công bố gói biện pháp thứ ba trị giá khoảng 65 tỷ USD nhằm giúp các hộ gia đình đối phó với tình trạng chi phí năng lượng tăng cao, nâng tổng số tiền hỗ trợ về năng lượng cho đến nay lên gần 95 tỷ USD. Các biện pháp đưa ra bao gồm áp trần giá điện, cắt giảm thuế giá trị gia tăng đối với khí đốt tự nhiên, hoãn tăng giá khí thải carbon trong một năm, thanh toán tiền một lần cho người hưu trí và sinh viên cùng vài biện pháp khác nhỏ hơn.
Đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin (Đức). Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong khi đó tại Anh, chính phủ đã quyết định thực hiện gói hỗ trợ tài chính ước tính có thể lên tới khoảng 150 tỷ bảng (hơn 170 tỷ USD) để hỗ trợ chi phí năng lượng cho các hộ gia đình và cộng đồng doanh nghiệp trên toàn quốc trong hai năm tới.
Hỗ trợ chi phí mua năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp cũng là biện pháp đối phó phổ biến mà nhiều quốc gia châu Âu đã và đang triển khai. Theo một số báo cáo, đến nay, 5 nền kinh tế lớn nhất EU đã công bố các gói hỗ trợ về chi phí năng lượng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp với tổng trị giá khoảng 201 tỷ USD. Cộng dồn của cả EU và Anh, tổng số tiền cam kết hỗ trợ năng lượng đã lên tới hơn 500 tỷ EURO (500 tỷ USD).
Ngoài hỗ trợ tài chính chi trả hóa đơn năng lượng cho người dân và doanh nghiệp, các quốc gia châu Âu còn tích cực thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng như khống chế mức nhiệt làm mát của máy điều hóa, mức nhiệt làm ấm của máy sưởi; thực hiện cắt điện luôn phiên; giảm độ sáng và không gian chiếu sáng công cộng, công sở … Đồng thời, tăng cường tích trữ khí đốt chuẩn bị cho mùa đông tới; đẩy mạnh chia sẻ khí đốt giữa các quốc gia thành thành viên EU; lên kế hoạch áp trần khí đốt…
Báo cáo tại nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cho thấy, giá năng lượng và nhiêu liệu hiện đã cao gấp nhiều lần cùng kỳ năm 2021 và rất có thể sẽ tiếp tục thiết lập thêm các kỷ lục mới.
Triển vọng và thách thức
Theo tính toán của các chính phủ và nhiều định chế tài chính khu vực, việc triển khai các gói hỗ trợ năng lượng cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp tại châu Âu là cần thiết trong bối cảnh giá năng lượng tăng quá cao và thực tế đã vượt quá khả năng chi trả của rất nhiều hộ gia đình cũng như doanh nghiệp. Việc triển khai các gói hỗ trợ còn có tác dụng kiềm chế lạm phát, đồng thời duy trì sự ủng hộ của công chúng đối với các kế hoạch viện trợ tài chính cho Ukraine mà các Chính phủ châu Âu đang theo đuổi.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế châu Âu đồng thời khuyến cáo rằng, cần tính toán kỹ lưỡng tác động của việc triển khai các gói hỗ trợ chi phí năng lượng quy mô lớn như hiện nay. Thứ nhất, dù quy mô các gói hỗ trợ năng lượng không lớn bằng các gói hỗ trợ ứng phó dịch Covid-19 như thời gian qua, nhưng chúng vẫn có tác động làm tăng quy mô nợ công, đồng thời làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Chẳng hạn, các nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư UBS ước tính tổng giá trị các gói hỗ trợ năng lượng của Đức chiếm khoảng 2,7% sản lượng kinh tế hàng năm. Tại Italy, chi phí của các biện pháp tương tự ước tính chiếm khoảng 2,4% sản lượng kinh tế và chiếm khoảng 1,25% GDP ở Tây Ban Nha.
Thứ hai và đáng lo ngại hơn cả là việc hỗ trợ chi phí năng lượng có thể gây ra tác dụng ngược là khiến lượng tiêu thụ năng lượng tăng lên, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Dẫn chứng cho lo ngại này, trong một bài phân tích đăng ngày 6/9, viện nghiên cứu Bruegel, trụ sở ở Brussels (Bỉ), nêu rõ trong khi giá bán buôn năng lượng 6 tháng đầu năm nay cao gấp khoảng 10 lần mức trung bình của EU, thì tiêu thụ năng lượng của các hộ gia đình chỉ giảm 7%.
Trong bối cảnh đó, ngày càng nhiều ý kiến cho rằng, châu Âu cần hành động theo hướng nhìn nhận thực tế hơn về nguyên nhân gây ra tình trạng khủng hoảng để đưa ra biện pháp đối phó phù hợp. Theo đó, châu Âu cùng cộng đồng quốc tế và các bên liên quan cần tăng cường nỗ lực tìm kiếm giải pháp để sớm chấm dứt cuộc xung đột Nga-Ukraine, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.