Việt Nam nỗ lực đóng góp giải quyết các thách thức chung toàn cầu

Huyền Thư
Chia sẻ
(VOV5) - Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tham dự sự kiện quan trọng này, thể hiện vị thế tích cực, chủ động và có những đóng góp cụ thể tại Hội nghị, góp phần giải quyết thách thức biến đổi khí hậu toàn cầu.

Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) diễn ra tại Glasgow (Vương quốc Anh) từ 31/10-3/11. Đây là một trong những sự kiện được cộng đồng quốc tế quan tâm nhất trong năm 2021. Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tham dự sự kiện quan trọng này, thể hiện vị thế tích cực, chủ động và có những đóng góp cụ thể tại Hội nghị, góp phần giải quyết thách thức biến đổi khí hậu toàn cầu.

Việt Nam nỗ lực đóng góp giải quyết các thách thức chung toàn cầu - ảnh 1Quang cảnh lễ khai mạc Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland ngày 31/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Hội nghị COP26 diễn ra trong bối cảnh năm 2021 là thời điểm các quốc gia tham gia công ước khung về biến đổi khí hậu  của Liên Hợp Quốc phải gửi bản đóng góp do quốc gia tự quyết định cuối cùng lên Ban thư ký. Vì vậy, mục tiêu đặt ra tại hội nghị lần này là các quốc gia sẽ đạt được thỏa thuận cụ thể về cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính của mỗi nước để đạt mục tiêu duy trì nhiệt độ Trái đất không tăng thêm quá 2 độ C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp. Từ đó, thúc đẩy tính bền vững đối với kinh tế và xã hội của tất cả các quốc gia, đáp ứng Mục tiêu Phát triển Bền vững vào năm 2030.

Cơ hội để thế giới hành động

Diễn ra trong bối cảnh bị trì hoãn một năm do đại dịch COVID-19, COP26 còn mang theo áp lực làm sao để những hoạt động chống biến đổi khí hậu đạt được các thỏa thuận khi khủng hoảng năng lượng đang diễn ra trên toàn cầu.

Việt Nam nỗ lực đóng góp giải quyết các thách thức chung toàn cầu - ảnh 2 Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward. Ảnh: VGP/Thùy Dung

Bốn mục tiêu được theo đuổi tại COP26 là Bảo vệ mục tiêu phát thải toàn cầu bằng 0 bằng cách giữ cho nhiệt độ không tăng quá 1,5°C vào giữa thế kỷ này; thích ứng để bảo vệ cộng đồng và môi trường sống tự nhiên; các nước phát triển phải thực hiện lời hứa huy động ít nhất 100 tỷ USD tài chính khí hậu mỗi năm; cùng nhau hoàn thiện các quy tắc chi tiết để Thỏa thuận Paris có thể giải quyết khủng hoảng khí hậu thông qua sự hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự. Bốn mục tiêu của COP26 lần này chỉ có thể đạt được nếu có sự hợp tác của các quốc gia.

Việt Nam đóng góp những sáng kiến thiết thực tại COP26

Là một nước đang phát triển chỉ mới bắt đầu công nghiệp hóa trong ba thập kỷ qua, nhưng Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào hành động chung toàn cầu. Việt Nam đã sớm gửi Liên hợp quốc Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) (năm 2015) và đưa vào Luật để tổ chức thực hiện nghiêm túc. So với Đóng góp do Quốc gia tự quyết định đã đệ trình, đến nay bản đóng góp mới (cập nhật năm 2020) đã tăng cả về lượng giảm phát thải và tỷ lệ giảm phát thải. Theo đó, đến 2030, bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính và tăng lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế song phương, đa phương.

Theo Đại sứ Anh tại Việt Nam, những cam kết này của Việt Nam là khả thi, không phải quá tham vọng: "Mục tiêu này có tham vọng hơn so với các mục tiêu trước đó. Nhưng theo tôi, Việt Nam vẫn có thể đặt ra mục tiêu tham vọng hơn nữa. Tôi tự tin rằng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu 27% đã đề ra và thậm chí có thể vượt qua cả con số này. Tôi cũng tự tin rằng các đại biểu của Việt Nam tới Glasgow cũng sẽ mang theo những ý tưởng mới, những cam kết mới. Và tôi cũng hy vọng là chúng ta sẽ được thấy những con số mới do Việt Nam tự đặt ra."

Việt Nam nỗ lực đóng góp giải quyết các thách thức chung toàn cầu - ảnh 3Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ảnh: TTXVN

Trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của một đất nước đang chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, Đóng góp do Quốc gia tự quyết định cập nhật của Việt Nam đã thể hiện nỗ lực cao nhất của quốc gia trong góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu. Cho đến nay, Việt Nam là một trong số ít các nước tăng mức đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong Đóng góp do Quốc gia tự quyết định cập nhật.

Kể từ COP21 (năm 2015), liên tục trong 5 năm qua, Việt Nam đã cập nhật và hoàn thiện bản cam kết thực hiện của mình. Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, khẳng định trước khi chính thức thực hiện bản cam kết của mình, Việt Nam đã nỗ lực và xây dựng một nền tảng tốt để có thể sẵn sàng cho đóng góp tại Hội nghị COP26:

"Việt Nam là một trong những nước rất tích cực, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngay sau khi Thỏa thuận Paris được thông qua năm 2015, Chính phủ đã giao cho các bộ, các ngành chủ trì là Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris. Bên cạnh đó, ngoài kế hoạch triển khai Thỏa thuận Paris từ năm 2016 đến năm 2030, chúng ta đã đưa nội dung cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris vào trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đã được Quốc hội thông qua tháng 11/2020. Tại COP26, chúng ta có thể khẳng định, Việt Nam là một trong các nước đang phát triển đầu tiên đưa quy định thực hiện Thỏa thuận Paris vào quy định pháp luật để toàn dân thực hiện".

Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo COP26, Việt Nam khẳng định quyết tâm trong việc thúc đẩy và thực thi các cam kết quốc tế, nhất là trong các vấn đề toàn cầu đang được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. Đây cũng là dịp để Việt Nam thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương, các tổ chức quốc tế và các đối tác đa phương khác, tìm kiếm cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu