Cần đánh giá khách quan về tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Là quốc gia đa tôn giáo, Việt Nam có những tôn giáo nội sinh, như: Phật giáo Hoà Hảo, Cao đài… song hành cùng các tôn giáo du nhập từ bên ngoài, như: Công giáo, Phật giáo, Tin lành...

Trong một thông cáo ngày 2-12-2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố quyết định đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về quyền tự do tôn giáo, bất chấp thực tế sinh động về tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam trong bối cảnh đồng bào Công giáo đang chuẩn bị đón lễ Giáng sinh trên khắp mọi miền đất nước. Việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo rõ ràng là sự đánh giá sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam. 

Cần đánh giá khách quan về tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam - ảnh 1 Nghi thức lễ tắm Phật tại Lễ Phật Đản 2022 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam. Ảnh: danviet.vn

Là quốc gia đa tôn giáo, Việt Nam có những tôn giáo nội sinh, như: Phật giáo Hoà Hảo, Cao đài… song hành cùng các tôn giáo du nhập từ bên ngoài, như: Công giáo, Phật giáo, Tin lành…. Hiện nay, cả nước có hơn 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động. Các tôn giáo có hơn 57.400 chức sắc, trên 147.000 chức việc, hơn 29.600 cơ sở thờ tự. Phật giáo có số lượng tín đồ cao nhất, 15,1 triệu; tiếp đó là Công giáo với 7,1 triệu tín đồ.

Sinh hoạt tôn giáo sôi nổi, đa dạng và phong phú

Trên khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là tại các thành phố, các trung tâm tôn giáo lớn, như: Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Tây Ninh, Cần Thơ…, các sinh hoạt tôn giáo diễn ra khá sôi nổi, đa dạng và phong phú. Nhiều sinh hoạt tôn giáo đã trở thành sinh hoạt văn hoá cộng đồng được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia. Các ngày lễ trọng, lễ hội tôn giáo được tổ chức ngày càng trang nghiêm, quy mô hơn trước và thu hút ngày càng đông tín đồ tham dự. Các lễ hội như Đại lễ Phật đản của Phật giáo, lễ Giáng Sinh của Công giáo và đạo Tin lành, lễ kỷ niệm ngày khai đạo của đạo Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo, tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo… được tổ chức trọng thể, trang nghiêm và đảm bảo an ninh trật tự. Lễ hội của nhiều tôn giáo đã trở thành lễ hội chung vui của toàn dân tộc như lễ Giáng Sinh, lễ hội La Vang. Đặc biệt, Đại lễ Phật đản đã chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là một trong những ngày lễ hội tôn giáo của thế giới. Một số lễ hội mang tính thế tục, như: Lễ cầu siêu cho những người đã hy sinh trong kháng chiến do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức (2005); Đại hội hành hương La Vang lần thứ 27 kết hợp “Năm Thánh thể” với quy mô lớn do Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức (2005); Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội thánh do Tổng hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) tổ chức (2005)… được người dân cả nước quan tâm, đánh giá cao.

Cần đánh giá khách quan về tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam - ảnh 2Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa chúc mừng Toà Tổng Giám mục Hà Nội Tổng giáo phận Hà Nội dịp lễ Giáng sinh 2022. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Đảng, Nhà nước Việt Nam coi trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân

Thực tế sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trong các tầng lớp nhân dân Việt Nam những năm qua ngày càng sôi động và có chiều hướng gia tăng. Cứ nhìn vào các lễ hội tôn giáo, các buổi lễ trọng của các tôn giáo và tín ngưỡng dân gian cũng có thể nhận thấy những sinh hoạt này không chỉ là sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trong các cộng đồng của đồng bào có đạo, mà còn đang trở thành ngày hội thu hút đông đảo người dân tham gia. Trước đây, việc tổ chức và tham gia lễ hội là công việc nội bộ giáo hội và tín đồ trong đạo. Ngày nay, rất nhiều lễ hội tôn giáo có sức lan toả, ảnh hưởng lớn trong cộng đồng xã hội, như: Lễ Giáng Sinh, Phục sinh của đạo Công giáo, đạo Tin lành; Đại lễ Phật đản, lễ Vu lan của Phật giáo; Đại lễ Hội Yến Diêu Trì Cung của Hội thánh Cao đài Tây Ninh…Lễ Giáng sinh chỉ là 1 trong số 8.000 lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo trong một năm ở Việt Nam. Những ngày này, không khí Giáng Sinh đang rộn ràng ở khắp các xứ đạo, họ đạo ở Việt Nam.

Thực tế trên cho thấy Ðảng và Nhà nước Việt Nam đã luôn tạo mọi điều kiện để nhân dân được tự do tham gia các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Các hoạt động tôn giáo đa dạng là một minh chứng về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam đã và đang được bảo đảm. Không chỉ đối với đồng bào theo đạo Công giáo, quy mô và hoạt động tôn giáo của đồng bào theo các tôn giáo khác cũng ngày càng gia tăng và diễn ra sôi động, đời sống tâm linh của người dân luôn được chính quyền quan tâm.

Việc Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách cần theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo, bất chấp thực tế là đồng bào Công giáo Việt Nam, từ Bắc chí Nam, đang nô nức đón Giáng Sinh an lành, là một nhìn nhận thiếu  khách quan, không thực tế về tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam. Chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người cũng như quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Điều này đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm tôn trọng trên thực tế. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Do đó, Bộ Ngoại giao Hoa kỳ cần nhìn nhận đúng thực tế và khách quan hơn khi đánh giá về thành quả tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu