Các nước dồn dập tung gói kích thích kinh tế đối phó tác động của đại dịch Covid-19

Bá Thi
Chia sẻ
(VOV5) - Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã tung ra các gói kích thích kinh tế khổng lồ, thậm chí với quy mô lớn chưa từng có.

Trước nguy cơ suy thoái kinh tế nghiêm trọng do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã tung ra các gói kích thích kinh tế khổng lồ, thậm chí với quy mô lớn chưa từng có. Tuy nhiên, kịch bản xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế quy mô toàn cầu vẫn được nhận định ở mức cao, đòi hỏi cộng đồng thế giới cần tiếp tục có các hành động mạnh tay hơn nữa.

Các nước dồn dập tung gói kích thích kinh tế đối phó tác động của đại dịch Covid-19 - ảnh 1

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell giơ tay vui mừng khi rời phiên họp của Thượng viện tại Điện Capitol ngày 25/3, sau khi Thượng viện đạt được thỏa thuận để chuẩn bị thông qua gói cứu trợ. Ảnh: AP.

Đại dịch đã tác động rất lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh tế của hầu hết các quốc gia, gây nguy cơ suy thoái kinh tế nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Để ngăn chặn và hạn chế tác động của dịch bệnh, các nền kinh tế lớn đã tung nhiều gói kích thích kinh tế mạnh tay, quy mô lên tới hàng nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, nguy cơ suy thoái vẫn được đánh giá là ở mức rất cao, một thách thức lớn của cả thế giới.    

Những gói kích thích kinh tế khổng lồ

Đáng chú ý nhất trong số các động thái ứng cứu nền kinh tế quốc gia trước nguy cơ suy thoái do đại dịch Covid-19, là kế hoạch bơm hàng nghìn tỷ USD mà Chính quyền Mỹ đang triển khai. Cụ thể, chính giới Mỹ đang tiến tới thông qua gói kích thích tài khóa trị giá 2000 tỷ USD. Dự luật đã được Thượng viện Mỹ phê chuẩn hôm 25/3, là gói kích thích kinh tế lớn chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ hiện đại. Gói tài chính sẽ hỗ trợ tiền trực tiếp cho mỗi gia đình người dân, hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp mở rộng, các khoản vay và ưu đãi cho các doanh nghiệp và các nguồn lực y tế cho các bệnh viện, các bang và các vùng lãnh thổ.

Ngoài ra, dự luật cũng yêu cầu các nhà cung cấp bảo hiểm phải chi trả các dịch vụ ngăn ngừa Covid-19. Chưa hết, Bộ Tài chính và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng đang lên kế hoạch về gói hỗ trợ vốn 4.000 tỷ USD để giúp doanh nghiệp đối phó dịch bênh Covid-19. Chính phủ Mỹ khẳng định có thể đưa thêm các biện pháp hỗ trợ nếu cuộc khủng hoảng không giảm trong 10 đến 12 tuần tới.

Các nước dồn dập tung gói kích thích kinh tế đối phó tác động của đại dịch Covid-19 - ảnh 2

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jaein (phải) phát biểu trong phiên họp thứ hai của Hội đồng kinh tế khẩn cấp tại Seoul ngày 24/3/2020 - Aenh: Yonhap/TTXVN

Cùng với Mỹ, châu Âu mới đây cũng đã tung ra gói kích thích kinh tế khổng lồ có tổng quy mô hơn 1.500 tỷ USD. Pháp được coi là nước châu Âu chi mạnh tay nhất trong nỗ lực kích thích kinh tế, cam kết không để công ty nào sụp đổ. Theo đó, Chính phủ sẽ bảo lãnh cho các khoản vay trị giá hàng trăm tỷ USD, hoãn thu thuế, tiền thuê nhà, điện - nước - gas cho các doanh nghiệp nhỏ.

Trong khi đó, Chính phủ Đức – nền kinh tế lớn nhất châu Âu, ngày 23/3 đã thống nhất gói ngân sách  hỗ trợ kinh tế lên đến 156 tỷ euro (hơn 166 tỷ USD) để ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19. Ngoài ra, Đức còn cam kết sẽ hỗ trợ ít nhất 500 tỷ euro (550 tỷ USD) dưới dạng bảo lãnh vốn vay cho các doanh nghiệp, cũng như cung cấp thanh khoản không hạn chế cho các công ty chịu ảnh hưởng từ đại dịch. Tương tự, Tây Ban Nha cũng đã công bố gói giải cứu trị giá 200 tỷ euro (220 tỷ USD), còn Anh cho biết sẽ hỗ trợ khoản vay ban đầu trị giá 330 tỷ bảng (400 tỷ USD) cho các công ty vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra.

Tại châu Á, ngày 24/3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in công bố kế hoạch tăng gấp đôi gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp lên 100.000 tỷ won (80 tỷ USD) hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trước đó một ngày, nền kinh tế lớn thứ hai châu Á là Nhật Bản đã thông tin về gói kích thích kinh tế "khổng lồ" mà Thủ tướng Abe Shinzo đã cam kết, trong đó bao gồm việc chi tiêu ít nhất 137 tỷ USD được tài trợ phần nào bởi các trái phiếu có đảm bảo thâm hụt.

Nguy cơ suy thoái vẫn rất cao

Đáng tiếc là, bất chấp các nỗ lực giải cứu kinh tế mạnh tay chưa từng có của các nền kinh tế lớn, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn được đánh giá ở mức rất cao. Ngày 23/3, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định những tổn thất do dịch Covid-19 gây ra cho kinh tế toàn cầu trong năm 2020 thậm chí có thể lớn hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 và sẽ đòi hỏi một cách phản ứng chưa từng có tiền lệ. Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva khẳng định kinh tế thế giới đang chứng kiến những thiệt hại “khốc liệt” do đại dịch Covid-19 gây ra, đồng thời cảnh báo kinh tế toàn cầu có nguy cơ đối mặt với tăng trưởng âm.

Trong khi đó, hãng xếp hạng tín dụng uy tín quốc tế Moody's dự báo Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ có thể suy thoái kinh tế trong năm 2020 vì đại dịch Covid-19. Moody's ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của G20 sẽ suy giảm 0,5%, trong đó nền kinh tế Mỹ suy giảm 2% và kinh tế Khu vực Sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) suy giảm 2,2%.

Theo giới phân tích, việc các quốc gia tung các gói kích thích lớn để cứu nền kinh tế là hành động cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu cùng bị tác động bởi đại dịch và xu thế toàn cầu hóa kinh tế ngày càng sâu rộng, biện pháp này chỉ là giải pháp tình thế, giải quyết phần nào khó khăn cho nền kinh tế quốc gia. Để phát huy tốt nhất công dụng của các gói kích thích kinh tế, cần có sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các quốc gia trên phạm vi toàn cầu, trước tiên là trong việc chung tay ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu