Bóng ma Covid-19 phủ bóng lên kinh tế toàn cầu

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Dịch bệnh đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn do Trung Quốc là đối tác cung cấp hàng hóa đầu vào quan trọng với nhiều quốc gia và tập đoàn đa quốc gia trên thế giới.

Dịch Covid-19 đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu len vào mọi ngõ ngách của kinh tế, kéo giảm doanh thu, làm gián đoạn chuỗi cung ứng, làm bốc hơi cả nghìn tỷ USD GDP toàn cầu và có thể khiến nền kinh tế thế giới rơi vào bế tắc. Dịch bệnh khởi nguồn từ tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) hiện đã bùng phát tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dịch bệnh đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn do Trung Quốc là đối tác cung cấp hàng hóa đầu vào quan trọng với nhiều quốc gia và tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. Ngành sản xuất hàng điện tử, ô tô, dệt may và giày dép chịu ảnh hưởng nặng nề. Ngành du lịch, dịch vụ và hàng không thế giới cũng sụt giảm mạnh do việc hạn chế đi lại. Các nền kinh tế chủ chốt đối mặt với nhiều khó khăn. 

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm mạnh

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm mạnh trong quý I/2020. Bloomberg dự báo ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên nền kinh tế toàn cầu có thể lớn gấp 3 đến 4 lần so với SARS, với mức gây tổn thất lên tới 160 tỷ USD. Theo Bloomberg, vài tuần trước nhiều nhà kinh tế Trung Quốc và quốc tế còn lạc quan nhận định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ sau khi dịch Covid-19 bị kiềm chế. Tuy nhiên, sự lạc quan đang dần tan biến khi hàng trăm nghìn nhà máy ở Trung Quốc vẫn im lìm, hàng chục triệu công nhân nước này chôn chân tại nhà, các chuỗi cung ứng bị cắt đứt, du lịch và thương mại tê liệt.

Chung quan điểm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cũng đánh giá dịch Covid-19 hiện nay có thể đe dọa tới đà phục hồi vốn dĩ mong manh của kinh tế thế giới. Theo tổ chức này, Covid-19 có thể khiến tăng trưởng kinh tế thế giới giảm 0,1%.

Trong khi đó, cơ quan nghiên cứu BofA Global Research nhận định tăng trưởng GDP toàn thế giới giảm xuống còn 2,8% trong năm 2020. Và đây sẽ là lần tụt giảm ở mức dưới 3% đầu tiên kể từ cuộc suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính kết thúc vào giữa năm 2009.

Còn theo Oxford Economics, một cơ quan dự báo và phân tích kinh tế toàn cầu hàng đầu, Covid-19 có thể làm thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 1,1 nghìn tỷ USD, tương đương 1,3% GDP so với dự báo hiện nay. 

Các nền kinh tế lớn lao đao

Theo Bloomberg Economics, dịch bệnh có thể khiến kinh tế toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng, các nền kinh tế lớn cũng khó chống đỡ. Ước tính tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I/2020 của Trung Quốc sẽ trượt xuống 1,2%. Tăng trưởng kinh tế khu vực châu Âu tiếp tục duy trì ở mức thấp. Chứng khoán Mỹ sụt giảm tới 40-50%. Thâm hụt thương mại của Nhật Bản 2 tháng đầu năm 2020 tăng trong khi chỉ số niềm tin người tiêu dùng ở mức thấp. Kinh tế Nhật Bản cũng đang bị ảnh hưởng rất lớn từ dịch COVID-19, đặc biệt là ảnh hưởng đến ngành du lịch và xuất khẩu. Nếu dịch bệnh kéo dài đến thời điểm diễn ra thế vận hội Olympic Tokyo 2020 sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Covid-19 khiến thặng dư thương mại Hàn Quốc giảm đáng kể do các hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm sâu.

 

Bóng ma Covid-19 phủ bóng lên kinh tế toàn cầu - ảnh 1 Giám đốc điều hành hãng sản xuất ô tô Mercedes của Dainmer AG Ola Kallenius cảnh báo về sự trở lại của chủ nghĩa dân tộc kinh tế trong bối cảnh lo ngại về dịch Covid-19 gia tăng. - Nguồn: Reuters.

Trong lúc này, nhiều nền kinh tế đưa ra giải pháp kích thích nền kinh tế.Ngân hàng trung uơng Trung Quốc đã 2 lần bơm lượng tiền khá lớn ra thị trường trong tháng 2/2020. Ngân hàng trung ương châu Âu phải tiếp tục duy trì chính sách lãi suất âm và nới lỏng định lượng hiện hành. Một số quốc gia như Hàn Quốc, Malaysia, Việt Nam… đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhật Bản đã hỗ trợ 500 tỷ yên (4,6 tỷ USD) để đảm bảo đủ thanh khoản trong hệ thống. Trong khi đó, Hàn Quốc cung cấp tiền mặt cho các công ty nhỏ đang vật lộn để trả lương. Tại châu Âu, Italy cũng cung cấp tín dụng thuế cho các công ty có doanh thu giảm 25%.

Đến thời điểm này, cuộc chiến chống dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu đang khẩn trương và cấp bách hơn bao giờ hết. Các nước đều tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát dịch Covid-19 trong thời gian nhanh nhất, tránh một kịch bản tồi tệ về suy thoái kinh tế có thể xảy ra trong thời gian tới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu