Năm 2019 được xem là năm bứt phá trong xây dựng chính phủ điện tử ở Việt Nam. Nhiều chương trình mang tính then chốt được khởi động, vận hành, mang lại những tác động tích cực cũng như tạo nền tảng để triển khai thống nhất chính phủ điện tử trong cả nước.
Xây dựng Chính phủ điện tử là nhiệm vụ quan trọng mang tính chiến lược trong triển khai một nền hành chính hiện đại của Việt Nam và cũng là yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Mục tiêu của Việt Nam trong giai đoạn 2019 – 2025 là hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, Việt Nam muốn phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng.
Người dân quận Bắc Từ Liêm tra cứu thông tin khi làm thủ tục hành chính. - Ảnh: Thái Hiền/Hà Nội mới |
Thành lập hệ thống chỉ đạo xuyên suốt từ TW đến địa phương
Để thúc đẩy xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số, ngày 7/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. Trong đó Uỷ ban quốc gia về Chính phủ điện tử do chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Chủ tịch, trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng, phát triển ủy ban quốc gia. Trên cơ sở này, tất cả các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố đều đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử, tạo nên sự thống nhất đồng bộ trong chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử từ TW đến địa phương.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: "Đây là một quyết tâm chính trị rất cao của người đứng đầu chính phủ khi thấy rằng lợi ích tác động rất mạnh mẽ khi chúng ta tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số. Có thể nói chúng ta đã học được kinh nghiệm của các nước đi trước trong xây dựng chính phủ điện tử và đạt được một số kết quả ban đầu."
Nhờ đó, từng bước hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ về xây dựng chính phủ điện tử, vận hành được một số hệ thống có ý nghĩa trong triển khai chính phủ điện tử như Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống thành chính nhà nước và Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ. Các nội dung lớn của Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng đang được thực hiện; công tác bảo đảm an toàn, an ninh được nhận thức đẩy đủ hơn và đã có những cải thiện tích cực.
Đưa vào vận hành những phầm mềm hữu dụng
Cùng với việc thiết lập được hệ thống chỉ đạo xuyên suốt, năm 2019, Việt Nam đã đưa vào vận hành 3 hệ thống: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống e-Cabinet (Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ), Cổng Dịch vụ vụ công Quốc gia. Đây là những nền tảng quan trọng để vận hành chính phủ điện tử, nền hành chính công điện tử ở Việt Nam, hướng tới Chính phủ không giấy tờ, hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch. Theo tính toán, việc đưa các hệ thống này vào hoạt động, giúp tiết kiệm được hàng chục triệu USD so với gửi, nhận văn bản giấy đồng thời tiết kiệm chi phí thời gian.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: "Không chỉ tiết kiệm chi phí hành chính, giảm thời gian xử lý văn bản và tiến tới loại bỏ tình trạng tồn đọng hồ sơ, giúp lãnh đạo cơ quan biết được tình trạng xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên hệ thống. Từ đó có sự chỉ đạo kịp thời, nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả chỉ đạo điều hành. Việc triển khai thành công kết nối liên thông văn bản điện tử thông suốt từ Trung ương đến địa phương là cơ sở để triển khai kết nối liên thông các hệ thống thông tin, phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp."
Những nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng chính phủ điện tử nhận được những đánh giá tích cực của cộng đồng quốc tế. Thứ trưởng Bộ Phát triển số, thông tin liên lạc và truyền thông đại chúng Liên bang Nga M.V. Mamonov đánh giá cao mục tiêu Việt Nam đặt ra là trở thành quốc gia có Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử ở mức cao. Nga mong muốn hợp tác với Việt Nam trong đào tạo cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, an ninh mạng.
Trong khi đó, ông Ki Byoung Kim, Trưởng bộ phận phụ trách Chính phủ điện tử toàn cầu, Bộ An ninh và Nội vụ Hàn Quốc, cũng cho rằng Việt Nam rất quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử.
Chính phủ Việt Nam xác định, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016-2020 để tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021-2030. Vì vậy, những chuyển biến trong xây dựng chính phủ điện tử trong năm 2019 đang góp phần hiện thực hóa mục tiêu trên, từng bước mở ra những cơ hội phát triển cho Việt Nam.