Biển Đông năm 2016 sau phán quyết PCA

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Biển Đông tiếp tục là đề tài nóng trên bàn nghị sự khu vực và là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế trong năm 2016, đặc biệt sau khi Tòa trọng tài thường trực thành lập theo Phụ lục 7 Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến vấn đề biển Đông. Phán quyết mang một ý nghĩa pháp lý và chính trị to lớn bởi văn kiện, lần đầu tiên được toà án quốc tế thông qua, phản ánh một trật tự khu vực mới trong đó tinh thần thượng tôn pháp luật được đề cao.
(VOV5) - Biển Đông tiếp tục là đề tài nóng trên bàn nghị sự khu vực và là mối quan tâm của cộng đồng quốc tế trong năm 2016, đặc biệt sau khi Tòa trọng tài thường trực thành lập theo Phụ lục 7 Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến vấn đề biển Đông. Phán quyết mang một ý nghĩa pháp lý và chính trị to lớn bởi văn kiện, lần đầu tiên được toà án quốc tế thông qua, phản ánh một trật tự khu vực mới trong đó tinh thần thượng tôn pháp luật được đề cao.

Biển Đông năm 2016 sau phán quyết PCA - ảnh 1
Toà trọng tài quốc tế (PCA) ngày 12.7.2016 đã ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông (PCA)


Trong phán quyết dài gần 500 trang, Toà án Trọng tài tuyên bố yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý và bác bỏ "chủ quyền lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông. Vấn đề quan trọng là phán quyết đã xác định rõ ràng các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang bồi đắp, xây dựng trên các bãi đá ngầm và rạn san hô chiếm đóng trái phép không thể được coi là các thực thể có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý và lãnh hải 12 hải lý.

 

Phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) là một phán quyết quốc tế đầu tiên, chính thức và dựa trên Luật biển của Liên Hiệp Quốc. Các chuyên gia về luật biển cũng như quan hệ quốc tế đánh giá, việc phán quyết có được thực thi hay không không quan trọng bằng việc tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông trong ranh giới của cái gọi là 'đường chín đoạn' mà Trung Quốc tuyên bố vô căn cứ năm 1947, là hoàn toàn bất hợp pháp. PCA có thể mở đường cho một giải pháp lâu dài cho giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

 

Thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế

Ngay sau phán quyết của Tòa trọng tài thường trực, nhiều nước trong và ngoài khu vực đều lên tiếng kêu gọi các bên tuân thủ phán quyết. Các nước nhấn mạnh giá trị pháp lý của phán quyết, ủng hộ tự do hàng hải và hàng không cũng như thương mại không bị cản trở dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được phản ánh đặc biệt trong Công ước Luật Biển Liên hợp quốc năm 1982. Cộng đồng quốc tế cho rằng các nước nên giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình mà không được sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện kiềm chế những hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định. Các tuyến vận tải biển đi qua Biển Đông đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển. Cộng đồng quốc tế hối thúc tất cả các bên thể hiện sự tôn trọng tối đa đối với UNCLOS, công ước tạo ra trật tự pháp lý quốc tế cho các vùng biển và đại dương, ủng hộ việc duy trì một trật tự dựa trên luật lệ, duy trì và bảo vệ các quyền và đặc quyền của tất cả các nước. 

 

Có thể thấy, sau phán quyết, vấn đề Biển Đông đã vượt khỏi sự quan tâm của các nước có tuyên bố chủ quyền, mà đã trở thành mối quan tâm rộng khắp của các nước ngoài khu vực, thậm chí trở thành một trong các vấn đề cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc ở Châu Á-Thái Bình Dương. Vấn đề Biển Đông còn xuất hiện và trở thành đề tài quan trọng trên bàn nghị sự của các diễn đàn, các cơ chế hợp tác đa phương như G7, APEC...

 

Gia tăng các hoạt động quân sự ở khu vực

Phán quyết PCA đã dẫn đến sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn. Nửa cuối năm 2016 chứng kiến những cuộc tập trận liên tiếp ở khu vực này. Dù bị cộng đồng quốc tế chỉ trích nhưng Trung Quốc vẫn lớn tiếng tuyên bố không dừng việc xây dựng đảo nhân tạo ở biển Đông, đồng thời tiến hành hàng loạt các cuộc tập trận, đặc biệt hai cuộc diễn tập “tuần tra tác chiến” trên không phận quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough, hai nơi được nhắc đến trong phán quyết Tòa Trọng tài phủ nhận cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ cũng triển khai lực lượng hùng hậu tới Biển Đông bao gồm cả tàu sân bay, tàu khu trục cùng lực lượng hải quân, không quân, phối hợp tập trận với Nhật Bản, Ấn Độ và các đồng minh. Những khu trục hạm của Mỹ thường xuyên tuần tra, cơ động sát các đảo Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở Biển Đông. Giới quan sát nhận định năm 2016, Biển Đông là nơi các nước tập trung lực lượng vũ trang nhiều nhất  kể từ sau chiến tranh Việt Nam năm 1975.

 

Thực tế, còn cần nhiều thời gian sau phán quyết PCA để tình hình trong khu vực ổn định lại. Tuy nhiên, phán quyết đã tạo cơ hội để các bên ngồi lại với nhau, hạ nhiệt căng thẳng. Duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông đóng vai trò quan trọng đối với sự thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó không riêng của nước nào. Việc bảo đảm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển được tôn trọng là lợi ích của tất cả các bên. Phán quyết có thể cung cấp một nền tảng để giải quyết những vấn đề lâu dài và phức tạp ở biển Đông.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu