Bầu cử Tổng thống ở Afghanistan: con đường chông gai

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Trước bầu cử, tại Afghanistan, xảy ra một loạt vụ tấn công khủng bố cản trở cuộc bầu cử. Trong khi đó, cách biệt về tỷ lệ cử tri ủng hộ giữa các ứng cử viên là không lớn, điều này dễ dẫn đến khả năng số phiếu bầu bị phân tán.

(VOV5) - Cuối tuần này, người dân Afghanistan sẽ đi bầu Tổng thống với kỳ vọng Chính phủ mới sẽ đưa Afghanistan thoát khỏi bất ổn, nạn tham nhũng, trình độ quản lý yếu kém trong nước, giải quyết được những bế tắc trong đàm phán an ninh với Mỹ sau năm 2014. Tuy nhiên những diễn biến trước thềm bầu cử đang đe doạ sự thành công của quá trình chuyển giao quyền lực ở nước Cộng hoà Hồi giáo này đồng thời cũng cho thấy bài toán bất ổn ở Afghanistan không dễ có lời giải.

Bầu cử Tổng thống ở Afghanistan: con đường chông gai - ảnh 1
Lực lượng an ninh Afghanistan canh giữ bên ngoài Ủy ban Bầu cử (Ảnh: Reuters)

Trước bầu cử, tại Afghanistan, xảy ra một loạt vụ tấn công khủng bố cản trở cuộc bầu cử. Trong khi đó, cách biệt về tỷ lệ cử tri ủng hộ giữa các ứng cử viên là không lớn, điều này dễ dẫn đến khả năng số phiếu bầu bị phân tán.

Gần 1 tháng trước bầu cử, lực lượng Taliban tại Afghanistan đã không hề giấu giếm ý định phá hoại sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt này khi công khai kêu gọi tất cả các thành viên bằng nhiều cách làm tê liệt cuộc bầu cử Tổng thống. Tuyên bố nguy hiểm và mang tính kích động bạo lực được Taliban đăng tải trên trang mạng internet. Theo đó, các thành viên Taliban sẽ nhằm vào những nhân vật quan trọng liên quan tới cuộc bầu cử, nhân viên bầu cử, cử tri và cả lực lượng an ninh.

Không lâu sau tuyên bố trên, một loạt các cuộc tấn công đẫm máu đã được các thành viên Taliban tiến hành, bất chấp việc hàng trăm nhân viên an ninh của chính phủ vẫn được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ. Ngày 25/3, các tay súng đã tấn công một điểm bầu cử tại Darulaman, phía Tây thủ đô Kabul. 3 ngày sau, một nhóm gồm 5 tay súng Taliban đã tấn công một nhà khách tại thủ đô Kabul của Afghanistan, nơi có nhiều người nước ngoài lưu trú. Mới đây nhất, ngày 29/3, các phiến quân Taliban đã tấn công Ủy ban bầu cử độc lập (IEC) Afghanistan, nơi được canh phòng nghiêm ngặt ở thủ đô Kabul. Trước tình hình bạo lực leo thang, sân bay ở Thủ đô Kabul buộc phải đóng cửa.

Những gì diễn ra ở Afghanistan khiến cho giới quan sát quan ngại rằng không ai có thể bảo đảm cuộc bầu cử Tổng thống ngày 5/4, tại Afghanistan sẽ diễn ra êm thấm, đặc biệt trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo với Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai rằng Mỹ và NATO không có lựa chọn nào khác ngoài việc rút quân vào cuối năm nay.

Không chỉ gây ra sự bất ổn về an ninh, các chuyên gia chính trị không loại trừ khả năng Taliban sẽ lợi dụng cơ hội hỗn loạn vào ngày bầu cử để chiếm quyền. Lo ngại này là có cơ sở khi lực lượng an ninh của Afghanistan được trang bị thiếu thốn, đơn giản, tổ chức lỏng lẻo, khó có thể đương đầu với Taliban.

Đáng chú ý là mặc dù lực lượng Taliban đã nhận trách nhiệm gây ra các vụ tấn công song chính phủ Afghanistan vẫn khẳng định rằng các điệp viên nước ngoài đã thực hiện vụ tấn công.

Trong khi Taliban đang tìm cách phá hoại cuộc bầu cử, thì trên chính trường, cuộc chạy đua giữa 10 ứng cử viên cũng đang ở giai đoạn nước rút.  

Ứng cử viên nặng ký nhất hiện nay là cựu thủ lĩnh Liên minh miền bắc ông Abdullah Abdullah. Ông là người duy nhất tự tin tuyên bố sẽ giành chiến thắng ngay từ vòng đầu. Theo một số chuyên gia, lần này, để giành thắng lợi, ông Abdullah cần phải thể hiện mình là ứng cử viên của hòa bình và hòa giải với Taliban.

Ngoài ông Abdullah, ông Ashraf Ghani, một chuyên gia kinh tế tầm cỡ quốc tế đã giữ chức Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Karzai từ năm 2002 đến năm 2004, dường như cũng đang có ưu thế. Chuyên gia kinh tế này cũng từng là ứng cử viên Tổng thống năm 2009.

Ứng cử viên nặng ký thứ ba là Abdul Rasul Sayyaf, một trong những thủ lĩnh nổi tiếng nhất Afghanistan, người được cho là chịu trách nhiệm đã đưa al-Qaeda tới Afghanistan. Ứng cử viên này có quan điểm rất bảo thủ liên quan đến quyền phụ nữ và tự do xã hội và do mối quan hệ sâu sắc của ông với chiến binh Hồi giáo. Chính Sayyaf đã giúp bin Laden trở lại Afghanistan sau khi trùm khủng bố al-Qaeda bị trục xuất khỏi Sudan.

Dù ứng cử viên nào trở thành Tổng thống Afghanistan sau ngày 5/4 cũng sẽ phải đối mặt với những nhiệm vụ khó khăn. Đó là tinh thần giảm sút trong lực lượng binh lính Afghanistan, hy vọng có thể giành lại quyền kiểm soát đất nước của Taliban, là nền kinh tế yếu kém ( năm 2014, ngân sách của Afghanistan không vượt quá 7 tỷ USD)….

Những vụ tấn công khủng bố đe doạ phá huỷ bầu cử cùng với việc không có ứng cử viên vượt trội trên chính trường khiến cho cuộc bầu cử Tổng thống ở Afghanistan đối mặt với nhiều bất trắc. Hy vọng của người dân nước Cộng hoà Hồi giáo này về một tương lai tươi sáng hơn vẫn còn ở phía trước./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu