Nước cờ có chủ định của Tổng thống đương nhiệm Afghanistan

Hồng Vân
Chia sẻ

(VOV5) - Cuối tuần qua, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai một lần nữa  tuyên bố lực lượng an ninh quốc gia Nam Á này có thể đảm bảo an ninh quốc gia mà không cần đến sự trợ giúp của lực lượng quốc tế. Tuyên bố này dập tắt hy vọng của giới chức Hoa Kỳ về  việc Tổng thống sắp mãn nhiệm của Afghanistan sớm đặt bút ký Hiệp định an ninh song phương với Mỹ. Giới quan sát cho rằng sự trì hoãn ký BSA của Tổng thống Afghanistan đặt Afghanistan trước nhiều thách thức trong thời gian tới.

(VOV5) - Cuối tuần qua, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai một lần nữa  tuyên bố lực lượng an ninh quốc gia Nam Á này có thể đảm bảo an ninh quốc gia mà không cần đến sự trợ giúp của lực lượng quốc tế. Tuyên bố này dập tắt hy vọng của giới chức Hoa Kỳ về  việc Tổng thống sắp mãn nhiệm của Afghanistan sớm đặt bút ký Hiệp định an ninh song phương với Mỹ. Giới quan sát cho rằng sự trì hoãn ký BSA của Tổng thống Afghanistan đặt Afghanistan trước nhiều thách thức trong thời gian tới.

Nước cờ có chủ định của Tổng thống đương nhiệm Afghanistan    - ảnh 1
Chuyên gia quân sự Mỹ tham gia huấn luyện binh lính cho quân đội Afghanistan tại trường đào tạo quân sự ở Kabul. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Trong bài phát biểu cuối cùng trước Quốc hội ngày 15/3, Tổng thống Karzai nêu rõ các binh sĩ Mỹ có thể rời nước này vào cuối năm nay vì quân đội của ông, hiện đã bảo vệ 93% lãnh thổ, sẵn sàng tiếp quản trách nhiệm đảm bảo an ninh đầy đủ. Ông tái khẳng định lập trường rằng ông sẽ không ký Hiệp định An ninh song phương (BSA) với Mỹ mà theo đó sẽ cho phép một số binh sĩ Mỹ ở lại Afghanistan sau đợt rút quân cuối cùng, trừ phi hòa bình được thiết lập ngay lập tức. Nhà lãnh đạo này khẳng định lực lượng an ninh Afghanistan đã đủ mạnh để bảo vệ đất nước mà không cần đến sự trợ giúp của lực lượng quốc tế.

 

Trước đó, Kabul và Washington đã mất nhiều tháng thương lượng về BSA với mục tiêu cho phép duy trì khoảng 10.000 - 12.000 binh sĩ Mỹ ở lại Afghanistan sau năm 2014. Trong bản hiệp định, Lầu Năm Góc cũng muốn sau năm 2014, lính Mỹ vẫn duy trì quyền quản lý và sử dụng tuyệt đối căn cứ không quân Bagram ở phía Bắc Kabul và được quyền cùng sử dụng 8 căn cứ khác trên toàn lãnh thổ Afghanistan.

 

Đảm bảo lợi ích quốc gia

 Tổng thống Hamid Karzai cho biết ông từ chối ký BSA với Mỹ vì BSA dành một số quyền ưu tiên đặc biệt cho lính Mỹ như quyền miễn trừ hoàn toàn trước luật pháp sở tại, được tự do tiến hành tấn công các mục tiêu khủng bố và tự do khám xét các nhà thờ, nhà dân. Ngoài ra, theo giới quan sát, ông Karzai không ký văn kiện trên còn vì quá thất vọng trong quan hệ với Mỹ trong hai nhiệm kỳ cầm quyền. Tổng thống Hamid.Karzai liên tục chỉ trích Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khi cho rằng chính các hoạt động quân sự của Mỹ và NATO đã đem sự bất ổn đến cho Afghanistan và không bảo đảm được an ninh cho nước này. Là căn cứ để Mỹ và đồng minh tiến hành các hoạt động chống khủng bố ở khắp khu vực Trung và Nam Á nên thời gian qua Afghanistan đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công trả đũa do các lực lượng Taliban và Al-Qaeda tiến hành. Quốc gia này đã yêu cầu Mỹ bảo vệ người dân trước các cuộc tấn công của Taliban nhưng bị từ chối.

 

Đối diện với sức ép không nhỏ về an ninh và kinh tế

Sau 12 năm chiến tranh, tuy Tổng thống Kazai khẳng định quân đội của ông hiện đã bảo vệ 93% lãnh thổ nhưng điều này không đồng nghĩa với việc năng lực an ninh của nước này được cải thiện. Dư luận vẫn hoài nghi về khả năng tự đảm bảo an ninh của Afghanistan mặc dù Mỹ đã mất nhiều năm để đào tạo lực lượng an ninh nước này. Có lẽ vì vậy mà ngay từ cuối năm 2013,  Tổng thống Hamid Karzai thăm Ấn Độ để mong muốn nhận được gói viện trợ quân sự từ chính quyền New Delhi. Ông Karzai cũng đồng ý ký Hiệp ước hợp tác và quan hệ hữu nghị dài hạn với Iran trên nhiều lĩnh vực hợp tác như chính trị, an ninh, kinh tế và ổn định khu vực.

 

Ngoài lợi ích chính trị, quyết định từ chối ký BSA của Tổng thống Karzai cũng tác động không nhỏ tới viện trợ không hoàn lại Mỹ dành cho Afghanistan. Nhà lập pháp Haji Mirdad Khan Nijrabi từng cho biết Mỹ đã đề nghị viện trợ cho Afghanistanan 4,1 tỷ USD dành cho việc xây dựng các lực lượng an ninh và 4 tỷ USD khác dành cho các cơ sở dân sự. Vì vậy khi Afghanistan từ chối ký BSA cũng đồng nghĩa với  nguy cơ mất tất cả khoản viện trợ. Điều này gây khó khăn lớn trong bối cảnh Afghanistan đón nhận những dự báo không mấy lạc quan về tình hình kinh tế. Hơn thế nữa, trì hoãn ký Hiệp định có tác động tâm lí đến các nhà đầu tư khi họ lo ngại tình hình an ninh tại Afghanistan có thể bị ảnh hưởng nếu không có sự hỗ trợ của lực lượng quốc tế.

 

Không ký BSA với Mỹ đồng nghĩa với việc Tổng thống Hamid Kazai nhường lại trách nhiệm cho người kế nhiệm sau cuộc bầu cử Tổng thống ngày 5/4. Giới quan sát quốc tế cũng cho rằng Mỹ không đơn giản chỉ muốn duy trì quân ở Afghanistan mà sâu xa hơn là bảo đảm sự hiện diện quân sự và ảnh hưởng tại khu vực chiến lược Nam Á quan trọng này./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu