Bầu cử Pháp: Nước Pháp tránh được kịch bản đáng ngại nhất

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Cuộc bầu cử tiếp tục phơi bày sự chia rẽ sâu sắc trong nền chính trị Pháp và có nguy cơ tạo ra cục diện bế tắc lâu dài.

Nỗ lực ngăn chặn của các đảng phái Pháp, đặc biệt là các đảng cánh tả, tại vòng 2 cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn tại Pháp, diễn ra hôm 07/07, giúp nước Pháp tránh được kịch bản đáng lo ngại nhất là đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) lên nắm quyền. Tuy nhiên, cuộc bầu cử tiếp tục phơi bày sự chia rẽ sâu sắc trong nền chính trị Pháp và có nguy cơ tạo ra cục diện bế tắc lâu dài.

Kết quả chính thức vòng 2 cuộc bầu cử lập pháp tại Pháp, công bố sáng 08/07, cho thấy liên minh 4 đảng cánh tả “Mặt trận nhân dân mới” (Nouveau front populaire - NFP) về nhất cuộc bầu cử khi giành 182 ghế trong Quốc hội Pháp khóa tới (2024-2029), liên minh trung dung “Cùng nhau” (Ensemble - EN) của Tổng thống Emmanuel Macron về thứ hai với 168 ghế, trong khi đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” (RN) chỉ về thứ 3 với 143 ghế.

Bầu cử Pháp: Nước Pháp tránh được kịch bản đáng ngại nhất - ảnh 1Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

Tránh kịch bản tồi tệ nhất

Với việc đảng RN (Rassemblement national) chỉ về thứ 3 với 143 ghế, chính trường Pháp tránh được kịch bản đáng lo ngại nhất là đảng cực hữu RN chiếm đa số ghế tại Quốc hội Pháp, qua đó lần đầu tiên lên nắm quyền tại Pháp kể từ sau Thế chiến II. Trên thực tế, số ghế mà RN giành được sau vòng 2 cũng là điều gây bất ngờ bởi sau khi giành được trên 33% số phiếu tại vòng 1 hôm 30/06, nhiều dự đoán cho rằng RN có thể giành số ghế lớn hơn nhiều trong vòng 2, dù có thể không đạt đa số tuyệt đối, bất chấp các nỗ lực ngăn cản từ các đảng phái tham gia vào Mặt trận cộng hòa.

Tuy nhiên, kết quả đáng thất vọng đối với RN một lần nữa cho thấy “rào cản cộng hòa”, tức cơ chế bầu cử 2 vòng mà nước Pháp quy định trong Hiến pháp của nền Cộng hòa thứ V, tiếp tục phát huy tác dụng trong việc ngăn chặn các lực lượng chính trị cực đoan, giống như những gì đã diễn tại vòng 2 các kỳ trước bầu cử Tổng thống Pháp trước đó là năm 2002 (khi ông Jacques Chirac đối đầu với ông Jean-Marie Le Pen), và các năm 2017 và 2022, khi ông Emmanuel Macron cạnh tranh cùng bà Marine Le Pen.

Sự hiệu quả của “rào cản cộng hòa” này càng gây ấn tượng hơn khi các nỗ lực ngăn chặn đảng RN sau vòng 1 được tổ chức chỉ trong vòng 1 tuần, với rất nhiều mâu thuẫn giữa các đảng phái. Đảng cánh hữu “Những người Cộng hòa” (Les Républicains) tuyên bố không tham gia trong khi phe cánh tả NFP và phe trung dung EN của Tổng thống Emmanuel Macron dù có chung mục đích lập rào cản ngăn RN nhưng không coi nhau là đồng minh, thậm chí Thủ tướng Gabriel Attal còn ra chỉ thị ngăn chặn cả những ứng cử viên (ƯCV) bị xem là cực tả của NFP. Bất chấp điều đó, với việc có tới 218 ứng cử viên của NFP và EN rút lui tại vòng 2, các tình huống “tam giác phiếu” (triangulaire), tức có 3 ứng cử viên cạnh tranh phiếu ở vòng 2, giảm từ 306 xuống còn 90, tạo điều kiện cho các cử tri Pháp dồn phiếu cho ứng cử viên là đối thủ của đảng RN.

Lãnh đạo đảng “Nước Pháp bất khuất” (La France Insoumise – LFI), đảng chủ chốt trong NFP, ông Jean-Luc Mélenchon, ca ngợi đây là chiến thắng của nhân dân Pháp bởi việc tỷ lệ cử tri tham dự lên tới 67,5% tại vòng 2, cao nhất kể từ năm 1997, cho thấy cử tri Pháp nhận thức rất rõ những rủi ro mà đảng RN có thể đem lại nếu lên nắm quyền: “Sự huy động quần chúng tuyệt vời đã được khẳng định và chúng ta đều biết rằng điều này ấn tượng đến mức nào, khi nước Pháp đã bước vào mùa Hè và các kỳ nghỉ. Người dân Pháp đã chối bỏ một cách rõ ràng giải pháp tệ hại cho nước Pháp. Đảng RN cách quá xa đa số tuyệt đối mà nhiều nhà bình luận đã dự đoán”.

Thế bế tắc kéo dài

Tuy đã tránh được kịch bản đáng lo ngại nhất là đảng cực hữu lên nắm quyền nhưng kết quả cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn cũng mang đến cho nước Pháp nhiều nỗi lo khác. Cuộc bầu cử này tiếp tục khẳng định xu hướng phân cực và chia rẽ mạnh mẽ đã diễn ra từ nhiều năm qua trong nền chính trị Pháp, khi không có một đảng phái hay liên minh nào giành được đa số quá bán (289/577 ghế), đẩy Quốc hội Pháp vào tình thế “Quốc hội treo” khi 3 nhóm chính trị có số ghế cao nhất tại Quốc hội Pháp khóa tới, gồm: NFP (182 ghế), EN (168 ghế) và RN (143) đều đang loại trừ mọi kịch bản liên minh cùng nhau. Trong khi đó, đảng LR cánh hữu truyền thống chỉ giành được 45 ghế, quá ít để có thể thay đổi cán cân quyền lực nếu chấp nhận liên minh với bất kỳ nhóm nào.

Giới quan sát đánh giá hiện nước Pháp không có bất cứ kịch bản khả dĩ nào trong việc thành lập 1 chính phủ liên minh có thể hoạt động hiệu quả. Tình huống càng trở nên phức tạp hơn khi Thủ tướng Pháp, Gabriel Attal tuyên bố đệ đơn từ chức lên Tổng thống Emmanuel Macron ngay trong ngày 08/07. Theo giáo sư kinh tế và luật quốc tế Armin Steinbach của trường Kinh doanh HEC Paris, khả năng lớn nhất là nước Pháp sẽ rơi vào tình thế bế tắc kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, trước khi các đảng phái đối lập chấp nhận thỏa hiệp và liên minh, điều vốn không phải là đặc trưng của nền chính trị Pháp. Đây cũng là nhận định của bà Marine Le Pen, thủ lĩnh đảng RN: “Nước Pháp sẽ bế tắc hoàn toàn với 3 nhóm có vai trò quan trọng như nhau tại Quốc hội. Đây là điều không may bởi chúng ta sẽ mất thêm 1 năm nữa của nhập cư bất hợp pháp, của sức mua suy giảm và của bất ổn an ninh. Nhưng nếu mọi việc phải diễn ra như thế thì chúng tôi sẽ chấp nhận như thế”.

Vấn đề lớn tiếp theo với nước Pháp là sự suy giảm quyền lực của Tổng thống Emmanuel Macron. Việc ông Macron bất ngờ tuyên bố giải tán Quốc hội Pháp hôm 09/06 mà không tham vấn các đồng minh chính trị, đã phá vỡ liên minh đa số ủng hộ Tổng thống được tạo dựng từ năm 2017.

Sự đổ vỡ này không chỉ khiến phe trung dung (EN) mất 82 ghế so với kỳ bầu cử năm 2022 (250) và hiện chỉ còn hơn 1/2 so với năm 2017 (305 ghế), thời điểm ông Macron lên nắm quyền, mà còn khiến cho các nỗ lực duy trì phe đa số này thêm khó khăn. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, các đảng phái, như: Chân trời (Horizons) của cựu Thủ tướng Édouard Philippe; Phong trào Dân chủ (MoDem) của cựu Bộ trưởng Tư pháp, Francois Bayrou đều có các động thái xa lánh ông Macron. Ngay bản thân Thủ tướng Gabriel Attal cũng cho biết sẽ thúc đẩy các sáng kiến chính trị riêng trong thời gian tới. Tất cả những điều này làm suy yếu quyền lực và khả năng hành động của ông Emmanuel Macron trong 3 năm tới, vào thời điểm nước Pháp phải đối mặt với hàng loạt các thách thức lớn cả về đối nội và đối ngoại.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu