Thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Mông Cổ; Mở ra nhiều cơ hội hợp tác với Ireland

Ánh Huyền_Bích Thuận
Chia sẻ
(VOV5) - Hai bên đang tận dụng lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương tương xứng với tiềm năng, thế mạnh mỗi bên.

Bắt đầu từ hôm nay (30/9) đến 7/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lên đường thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ và Ireland; tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Đây là những hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng của Việt Nam trong năm nay, thực hiện chính sách đối ngoại Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của bạn bè quốc tế.

Mông Cổ và Ireland là hai quốc gia đầu tiên trong chuyến công du của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lần này. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Mông Cổ và quan hệ hữu nghị Việt Nam-Ireland phát triển tích cực kể từ khi Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với 2 quốc gia này.

Quan hệ Việt Nam và Mông Cổ: Thời điểm để nâng cấp quan hệ song phương

Việt Nam và Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1954 và năm nay hai nước kỷ niệm 70 năm sự kiện trọng đại này (17/11/1954-17/11/2024). 70 năm qua, hợp tác trên các lĩnh vực được hai nước triển khai tích cực và đạt nhiều kết quả thực chất. Đánh giá về hiệu quả hợp tác giữa hai nước thời gian qua, Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ Nguyễn Tuấn Thanh khẳng định: Quan hệ chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng phát triển tích cực, hai nước đã đạt được sự hiểu biết, tin cậy cao về chính trị và ưu tiên trong phát triển quan hệ. Hai bên đã thiết lập được các cơ chế hợp tác chặt chẽ và hiệu quả, tạo khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động hợp tác, cụ thể. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được thúc đẩy mạnh mẽ. Kim ngạch thương mại song phương đã được tăng gấp 2-3 lần trong thời gian qua, từ 41,4 triệu USD năm 2017 lên 85 triệu USD năm 2022 và đạt 132 triệu USD năm 2023.

Thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Mông Cổ; Mở ra nhiều cơ hội hợp tác với Ireland - ảnh 1 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm rời Hà Nội, lên đường thăm cấp Nhà nước tới Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp ngày 30/9. Ảnh: Việt Cường/VOV

Kim ngạch thương mại song phương 7 tháng năm nay đạt 65,5 triệu USD. Trong khi đó, hợp tác văn hóa, giáo dục phát triển mạnh mẽ, tích cực. Đặc biệt, từ năm 1980, Mông Cổ đã quyết định đặt tên trường số 14 tại Thủ đô Ulaanbaatar mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hoạt động giao lưu nhân dân, hợp tác giữa các địa phương không ngừng phát triển. Hai nước luôn phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Trong bối cảnh quốc tế, khu vực tiếp tục có nhiều biến động, hai nước luôn coi trọng quan hệ, hợp tác hữu nghị và mong muốn thúc đẩy quan hệ đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn. Đại sứ Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng: Hai bên cần tập trung đẩy mạnh thực hiện tốt các khuôn khổ hợp tác đã có, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Thế mạnh kinh tế của Việt Nam và Mông Cổ không mang tính cạnh tranh mà mang tính bổ trợ cho nhau rất cao. Hai nước có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, viễn thông, giáo dục - đào tạo, công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thăm dò khai thác và chế biến dầu khí cũng như các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.

Trọng tâm hàng đầu trong chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, bề dày lịch sử quan hệ, phù hợp với tình hình mới và lợi ích của hai nước. Dự kiến, hai nước thiếp lập quan hệ Đối tác toàn diện. Một tầm cao mới trong quan hệ song phương được cả hai nước mong đợi từ lâu có ý nghĩa quan trọng đúng vào thời điểm kỷ niệm tròn 7 thập kỷ quan hệ ngoại giao.

Mở ra nhiều cơ hội hợp tác với Ireland – “Thung lũng Silicon của châu Âu”

Trong khi đó, chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Ireland là chuyến thăm Ireland đầu tiên của một nguyên thủ Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1996. Chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng, mở ra giai đoạn phát triển mới cho quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, nhất là lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Mông Cổ; Mở ra nhiều cơ hội hợp tác với Ireland - ảnh 2Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ Nguyễn Tuấn Thanh. Ảnh: Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh

Ireland hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam tại thị trường Liên minh Châu Âu (EU), với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2,73 tỷ USD trong 7 tháng năm nay. Ireland hiện có 41 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt hơn 44,3 triệu USD, đứng thứ 61/141 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ, nhất là Ireland được mệnh danh là “Thung lũng Silicon của châu Âu” và được biết đến trên toàn thế giới là trung tâm về dược phẩm và công nghệ (Ireland là nơi đặt trụ sở của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Meta) và giáo dục chất lượng cao, đây chắc chắn là những ưu tiên hợp tác sẽ được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trao đổi cùng các nhà lãnh đạo Ireland và các tập đoàn kinh tế của Ireland.  

Ireland cũng đang triển khai chính sách “Ireland toàn cầu: Triển khai hoạt động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, trong đó Việt Nam là một đối tác ưu tiên. Hai bên đang tận dụng lợi thế của Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam(EVFTA) để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương tương xứng với tiềm năng, thế mạnh mỗi bên.

Trên đà phát triển quan hệ tốt đẹp với Mông Cổ và Ireland, chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới 2 quốc gia ở hai châu lục nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác song phương với từng đối tác.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu