Đặc xá: chính sách khoan hồng đối với người lầm lỗi

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Đặc xá là một trong những chế định pháp lý quan trọng, được quy định trong Hiến pháp và đồng thời được thể chế hoá tại Luật Đặc xá cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.

Hôm nay, các trại giam, trại tam giam tại Việt Nam tổ chức tái hòa nhập cộng đồng cho những người được đặc xá theo Quyết định của Chủ tịch nước. Đây là chính sách khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2024) và 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024). Đặc xá năm 2024 một lần nữa khẳng định chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, trở thành người có ích cho xã hội.

Đặc xá: chính sách khoan hồng đối với người lầm lỗi - ảnh 1Công an tỉnh cùng Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trao Quyết định đặc xá năm 2024 của Chủ tịch nước cho 16 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù. Ảnh: Nông Thị Diệp/VOV

Nguyên tắc cao nhất khi xét đặc xá là thượng tôn pháp luật. Trong dịp này, hơn 3700 phạm đang chấp hành án phạt tù được đặc xá. Trong đó có 561 người dân tộc thiểu số, 20 phạm nhân mang quốc tịch nước ngoài.

Quy trình chặt chẽ, công khai, dân chủ, khách quan

Sau khi Chủ tịch nước ký ban hành Quyết định về đặc xá năm 2024, Văn phòng Chủ tịch nước đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao tổ chức họp báo công bố công khai quyết định này. Để bảo đảm công tác đặc xá được thực hiện dân chủ, công bằng, khách quan, các cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Trong đó, có Hướng dẫn số 88, ngày 2/8 và Công điện số 76 ngày 7/8 về việc triển khai thực hiện công tác đặc xá năm 2024. Đây là những căn cứ quan trọng để công tác đặc xá được thực hiện hiệu quả.

Song song với đó. các cơ quan chức năng tích cực đưa tin đầy đủ các nội dung liên quan đến công tác đặc xá tới người phạm tội cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thượng tá Hà Giang, Giám thị trại tạm giam công an tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Đặc xá đợt này được mở rộng các diện đối tượng đặc xá. Trại tạm giam công an tỉnh Quảng Ninh đã thường xuyên phổ biến điểm mới về công tác đặc xá, niêm yết công khai đến các can phạm nhân. Các can phạm nhân nắm rõ chính sách hoạt động của Đảng và nước và pháp luật nên đã tích cực và cải tạo tốt để được trong diện đặc xá đợt này.”

Trong khi đó, việc xét đề nghị đặc xá cho phạm nhân được tiến hành theo quy trình chặt chẽ, công khai, dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch, đúng đối tượng, điều kiện theo quy định. Tất cả phạm nhân được xem xét một cách bình đẳng, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội trước khi bị kết án. Hồ sơ đề nghị đặc xá được kiểm tra, thẩm định qua nhiều cấp với sự tham gia của nhiều cơ quan ban, ngành chức năng và đặc biệt là sự giám sát của các tổ chức xã hội và nhân dân. 

Đặc xá: chính sách khoan hồng đối với người lầm lỗi - ảnh 2Khu vực làm thủ tục cho các phạm nhân được đặc xá, tại trại giam Ninh Khánh (tỉnh Ninh Bình). Ảnh: Minh Hường/VOV

Phản ánh rõ ưu tiên bảo đảm và thúc đẩy quyền con người

Trong 15 năm qua, với 9 đợt đặc xá, Chủ tịch nước đã quyết định tha tù trước thời hạn cho hơn 92.000 phạm nhân có kết quả học tập, cải tạo, lao động tốt. Nhiều trường hợp sau khi được đặc xá trở về với gia đình đã tích cực tham gia các hoạt động lao động, sản xuất, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội; trở thành hạt nhân tích cực tham gia các phong trào bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Tỷ lệ tái phạm rất thấp, chỉ khoảng 0,08%. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà cho biết: “Bằng các quyết định đặc xá của Chủ tịch nước, hàng chục nghìn người được hưởng niềm vui được khoan hồng, sớm trở về đoàn tụ với gia đình, sẵn sàng làm lại cuộc đời. Phần lớn người được đặc xá đã trở về nơi cư trú, ổn định cuộc sống, làm ăn lương thiện. Tỷ lệ người đặc xá tái phạm rất thấp. Đó chính là dấu ấn nhân văn lớn nhất của chủ trương đặc xá, phản ánh rõ ưu tiên bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trong mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.”

Để giúp người được đặc xá sớm hòa nhập cộng đồng, các địa phương hiện đang duy trì hoạt động 355 mô hình tiêu biểu dưới nhiều hình thức khác nhau, như: mô hình quỹ hỗ trợ, giúp đỡ vay vốn, tạo việc làm cho người có quá khứ lầm lỗi; mô hình tham gia quản lí, giáo dục người có quá khứ lầm lỗi; mô hình các câu lạc bộ; mô hình phát huy vai trò của người có uy tín tham gia quản lí, giáo dục, giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi…

Ngoài ra, năm 2023, Thủ tướng ban hành Quyết định số 22 ngày 17/8 về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đây là cơ chế tín dụng đầu tiên dành riêng cho 2 nhóm đối tượng được vay vốn gồm: người chấp hành xong án phạt tù và người được đặc xá; cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 6.000 người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá nhận được vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền trên 500 tỉ đồng (hơn 21 triệu USD) để đầu tư phát triển sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Đặc xá là một trong những chế định pháp lý quan trọng, được quy định trong Hiến pháp và đồng thời được thể chế hoá tại Luật Đặc xá cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Đây là chính sách khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với phạm nhân; thể hiện sự ghi nhận kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy định của phạm nhân; mở ra cơ hội mới đối với những người đã từng lầm lỡ, lạc đường nay đã ăn năn, hối cải. Quyết định đặc xá năm 2024 của Chủ tịch nước một lần nữa khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người một cách công bằng, bình đẳng đối với mỗi công dân, kể cả những người đang chấp hành án phạt tù.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu