Bảo đảm an sinh xã hội trong đại dịch COVID - 19

Vân Điệp Nam
Chia sẻ
(VOV5) - Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Đây không phải là lần đầu tiên Chính phủ Việt Nam có chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID – 19 song lần này, người dân và doanh nghiệp được tiếp cận chính sách sớm nhất có thể. 
Nghị quyết 68/NQ-CP với giá trị 26 nghìn tỷ đồng (khoảng 1,13 tỷ USD) được ban hành vào thời điểm làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 diễn ra phức tạp và nghiêm trọng. Từ tháng 4 đến nay, cộng đồng doanh nghiệp, những người sử dụng lao động và người lao động, chịu những tác động tiêu cực của đợt cao điểm bùng phát đại dịch đang diễn ra ở nhiều địa phương. Theo Nghị quyết, có 12 nhóm chính sách hỗ trợ được áp dụng. Trong đó, 7 nhóm chính sách liên quan đến người lao động và 5 nhóm chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động.
Bảo đảm an sinh xã hội trong đại dịch COVID - 19 - ảnh 1Cán bộ Phường 1, Quận 3 (TP Hồ Chí Minh) chi trả hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Nhiều điểm mới

So với các gói hỗ trợ trước đây, Nghị quyết 68 là một trong những thiết kế chính sách đơn giản, thân thiện với người lao động. Điểm nổi bật là giảm 2/3 số thủ tục hành chính, các đối tượng sẽ dễ dàng tiếp cận, thụ hưởng hơn. Đối tượng thụ hưởng được mở rộng như: người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Các trường hợp người lao động đang mang thai, đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em thì được hỗ trợ thêm. Chính sách lần này hỗ trợ toàn bộ tiền ăn cho người lao động bị nhiễm COVID - 19 hoặc phải cách ly y tế để phòng chống COVID- 19 …
Nghị quyết 68/NQ-CP cũng bổ sung nhiều chính sách mới như: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cho vay trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh. Thứ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội ( Bộ LĐ-TB&XH) Lê Văn Thanh cho biết: "Dịch lần thứ 4 đã tác động mạnh mẽ đến người lao động, khu công nghiệp, khu chế xuất và 1 số tỉnh, thành phố có mật độ ân cư đông. Việc ban hành nghị quyết là hết sức cần thiết và đáp ứng nhu cầu của người lao động và người sử dụng lao động. Đối với lao động tự do, Chính phủ đã giao cho địa phương với quy định mức hỗ trợ tối thiểu 1,5 triệu người/tháng. Tùy điều kiện, các địa phương có thể hỗ trợ cao hơn cho lao động tự do ở địa bàn mình quản lý". 
Chuyên gia André Gama, phụ trách chương trình về An sinh xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam bày tỏ: "ILO rất vui mừng khi Việt Nam đưa ra Nghị quyết 68 này. Trong thời điểm dịch COVID -19 tiếp tục diễn biến khó lường ở Việt Nam, việc Chính phủ Việt Nam có thể hành động một cách nhanh chóng như vậy thực sự là một điểm sáng. Ngoài ra, chúng tôi đã thấy được những điểm rất quan trọng trong Nghị quyết 68 nhằm hỗ trợ không chỉ người làm thuê, mà cả lao động tự phát, và nhiều thành phần yếu thế khác trong xã hội nữa. Thông qua việc hỗ trợ tiền mặt, tạo thu nhập cho các hộ gia đình, người dân có thể tiếp tục mua sắm, chi tiêu nhờ đó nền kinh tế cũng có thể tiếp tục được duy trì và hồi phục một cách nhanh chóng sau những tổn thất do đại dịch gây ra".
Triển khai nhanh, đúng đối tượng, đạt hiệu quả
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, chính sách hỗ trợ lần này sẽ được triển khai khẩn trương, nhưng vẫn đảm bảo các quy định pháp luật. Trên tinh thần hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp được nhanh nhất. Bộ LĐ-TB&XH đã trao đổi với Ngân hàng Nhà nước và Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội về việc nộp ngày nào thì xét hồ sơ ngày đó. Tối đa 7 ngày là cấp vốn. Việc đơn giản thủ tục là để cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận chính sách sớm nhất có thể. Tổng Giám đốc ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam Huỳnh Văn Thuận cho biết ngày 8/7, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai hướng dẫn và cho hộ kinh doanh và người sử dụng lao động vay vốn trên tinh thần nhanh nhất có thể: "Chúng tôi tập huấn hướng dẫn quy trình cho vay. Quy trình ở đây là cho người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động và trả lương phục vụ sản xuất đối với người lao động. Sau tập huấn, chúng tôi phối hợp với các đơn vị liên quan sẽ triển khai ngay. Chúng tôi có mạng lưới rộng khắp, sẵn sàng phục vụ khách hàng đủ điều kiện theo Quyết định của Chính phủ".
Gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn thêm một lần nữa khẳng định thông điệp của Chính phủ là luôn hướng về người dân, đảm bảo cuộc sống cho người dân, đảm bảo an toàn về sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Nếu giải ngân hiệu quả, gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng sẽ là một nguồn đầu tư để giúp người dân ổn định cuộc sống, qua đó thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2021.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu