Chính sách hỗ trợ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cần được thiết kế khoa học, chặt chẽ, công bằng

Nguyễn Hằng
Chia sẻ
(VOV5) - Nhiều ý kiến cho rằng đây là chủ trương hết sức đúng đắn và kịp thời trong giai đoạn hiện nay. 

Trước chủ trương Bộ Chính trị tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều ý kiến cho rằng đây là chủ trương hết sức đúng đắn và kịp thời trong giai đoạn hiện nay. Để chính sách lần này đến được đúng đối tượng, cũng như thuận tiện, đơn giản về các thủ tục cho người được hỗ trợ, thì khâu thiết kế chính sách cần phải thực hiện một cách khoa học, chặt chẽ, công bằng trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các bên. Để hiểu rõ hơn nội dung này, PV Đài TNVN có cuộc trao đổi với ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam:

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 

  PV: Bộ Chính trị vừa đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, quan điểm của ông về chủ trương này như thế nào?

  Ông Ngọ Duy Hiểu: Việc Bộ Chính trị đồng ý chủ trương cho phép ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do bị ảnh hưởng bởi Covid 19 là chủ trương hết sức đúng đắn và kịp thời trong giai đoạn hiện nay. Bởi hiện tại khó khăn của người lao động và các doanh nghiệp là hết sức gay gắt bởi làn sóng thứ 4 của Covid 19 đã và đang ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng. Với chính sách này khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người lao động và doanh nghiệp, nếu chúng ta giải quyết được những vấn đề cơ bản theo yêu cầu mong muốn từ phía người lao động và doanh nghiệp thì đây không chỉ giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội về đời sống của người lao động hiện tại mà quan trọng là sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất thực hiện mục tiêu kép mà Đảng và Chính phủ đang hết sức quan tâm và tổ chức thực hiện.

Chính sách hỗ trợ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cần được thiết kế khoa học, chặt chẽ, công bằng - ảnh 1Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.
(Ảnh: KT)

PV: Trong đợt dịch năm ngoái, Nhà nước cũng đã triển khai chính sách hỗ trợ này rồi, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng các thủ tục chưa thực sự thuận lợi đối với những đối tượng được hỗ trợ. Vậy thưa ông, lần này cần thực hiện như thế nào để các khoản hỗ trợ đến được với người cần được hỗ trợ một cách thuận tiện và nhanh nhất?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Cộng đồng doanh nghiệp và người lao động đang kỳ vọng rất lớn vào chính sách hỗ trợ lần này khi mà Covid 19 làn sóng thứ 4 đang tác động rất sâu rộng ở Việt Nam. Có thể thấy, hiện tình hình còn có thể diễn biến phức tạp, mong muốn chung của giới doanh nghiệp và người lao động cũng như tổ chức công đoàn đó là chính sách sẽ được thiết kế một cách khoa học, chặt chẽ, công bằng trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các bên, trước hết là ý kiến của người lao động và người sử dụng lao động. Từ đó để chính sách đó thực sự bao phủ được các đối tượng trên cơ sở đánh giá tác động đầy đủ và những ảnh hưởng đối với từng đối tượng cụ thể, để chúng ta có được một chính sách phù hợp. Vì vậy, ở khâu xây dựng chính sách cần quan tâm đến yếu tố xác định nguồn lực trực tiếp và gián tiếp thông qua các chính sách nguồn lực trung ương và địa phương để các chính sách này vừa bám sát thực tiễn đời sống, nhưng cũng tạo được sự chủ động cho từng địa phương trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ phòng chống Covid 19. Đặc biệt đối với khâu thực thi chính sách, cần xác định cụ thể các đối tượng, chủ thể cùng tham gia, đặc biệt là công tác giám sát của nhân dân để đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống, sớm đến với người lao động và doanh nghiệp. Cùng với đó, cần đảm bảo tính công bằng, công khai, bình đẳng và tuân thủ pháp luật trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.

PV: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ có hướng dẫn cụ thể gì đối với các đối tượng được thụ hưởng chính sách này trong thời gian tới thưa ông?

Ông Ngọ Duy Hiểu: Trong các kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đối với Chính phủ chúng tôi rất mong muốn, trong gói hỗ trợ lần này cần xác định trách nhiệm của các cấp công đoàn trong việc tham gia tổ chức thực hiện và giám sát quá trình thực hiện các gói hỗ trợ này. Khi mà quy định của Chính phủ xác định trách nhiệm của các cấp công đoàn thì Tổng Liên đoàn sẽ tuyên truyền hướng dẫn để các cấp công đoàn tham gia cùng với chính quyền ở cơ sở, cũng như  doanh nghiệp được triển khai chính sách đối với người lao động. Đồng thời tăng cường công tác giám sát, nâng cao vai trò của mình tham gia để đảm bảo cho các chính sách này được tổ chức thực hiện công khai công bằng. 

Ở một góc độ khác với trách nhiệm của mình nhiều tháng nay, tổ chức công đoàn đã ban hành những chính sách và tổ chức triển khai hỗ trợ người lao động cho các đối tượng F0, F1, F2 và cả các đối tượng ở các vùng phong tỏa, cách ly, bị ảnh hưởng… Những chính sách này thực sự đã hỗ trợ cho người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn như thời gian vừa qua, đặc biệt tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.

Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu