Anh - EU thiết lập mối quan hệ mới hậu Brexit

Quang Dũng
Chia sẻ
(VOV5) - Theo thông tin được các lãnh đạo EU và Anh công bố, hai bên thống nhất ký 3 thỏa thuận về quốc phòng-an ninh, thương mại thực phẩm và năng lượng.

Các lãnh đạo Anh và Liên minh châu Âu (EU) hôm 19/05 ký một loạt thỏa thuận về quốc phòng- an ninh, năng lượng, thực phẩm, đánh dấu việc định hình lại khung quan hệ mới thân thiết hơn sau một thời gian rạn nứt vì Brexit và trong bối cảnh châu Âu đối mặt các thách thức lớn về địa chính trị.

Các thỏa thuận giữa EU và Anh được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Anh-EU, tổ chức hôm 19/05 tại thủ đô London, Anh. Đây cũng là cuộc họp lớn đầu tiên giữa hai bên diễn ra trên đất Anh kể từ cuộc trưng cầu ý dân năm 2016 dẫn đến việc Anh rời khỏi EU, còn được gọi là sự kiện Brexit.

Trang mới trong quan hệ Anh-EU

Theo thông tin được các lãnh đạo EU và Anh công bố, hai bên thống nhất ký 3 thỏa thuận về quốc phòng-an ninh, thương mại thực phẩm và năng lượng. Thủ tướng Anh, Keir Starmer khẳng định bộ ba thỏa thuận này mang lại lợi ích to lớn cho nước Anh. Về mặt kinh tế, các thỏa thuận mới sẽ giúp ngăn chặn đà suy giảm của xuất khẩu của Anh vào EU (giảm 21%) trong những năm hậu Brexit và dự kiến mang về cho nước này khoảng 12 tỷ USD. Phát biểu trước Nghị viện Anh hôm 20/05, Thủ tướng Keir Starmer nhấn mạnh việc đàm phán các thỏa thuận giữa Anh và EU dựa trên 3 tiêu chí rõ ràng, đó là phải giúp hạ bớt chi phí hóa đơn cho các hộ gia đình Anh; thúc đẩy việc làm; tăng cường an ninh biên giới cho nước Anh và các thỏa thuận vừa ký kết với EU đảm bảo được cả 3 tiêu chí đó. Người đứng đầu chính phủ Anh cũng cho rằng các thỏa thuận mới với EU, cùng với các thỏa thuận thương mại vừa đạt được trong thời gian qua với Ấn Độ và Mỹ, đưa quốc gia này trở lại với vị thế vốn có trên thế giới.

Tranh cãi đáng chú ý nhất liên quan đến thỏa thuận đánh bắt cá kéo dài 12 năm, theo đó Anh sẽ cho phép tàu cá châu Âu tiếp tục hoạt động trong vùng biển Anh. Đổi lại, EU sẽ giảm bớt thủ tục hành chính cho nông dân và ngư dân Anh khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU. Một số đảng phái đối lập tại Anh chỉ trích thỏa thuận này khi lo ngại quyền lợi của ngư dân Anh sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, đây là nhượng bộ đáng kể và cần thiết của Anh, đồng thời phản ánh sự thay đổi quan điểm của giới lãnh đạo nước này sau nhiều năm khó khăn hậu Brexit. David Henig, chuyên gia về chính sách thương mại Anh tại Trung tâm châu Âu về kinh tế chính trị quốc tế (ECIPE), nhận định:

“Những thỏa thuận này thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh Brexit bởi điều này cho thấy nước Anh đang rời bỏ ý tưởng về việc thiết lập các quy định của riêng mình và chấp nhận rằng EU, thị trường gần gũi chiếm đến 50% trao đổi thương mại với Anh, mới là nơi mà nước Anh phải cùng thích ứng với các quy định”.

Về phía EU, việc đạt được các thỏa thuận quan trọng với Anh cũng được xem là thắng lợi lớn với khối này bởi việc nước Anh chấp nhận nhiều quy định của EU cho thấy EU vẫn là bên nắm thế chủ động trong mối quan hệ mới với Anh hậu Brexit. Chủ tịch EC, bà Ursula von der Leyen, cho biết:

“Chúng tôi đang mở ra một chương mới trong mối quan hệ độc nhất giữa hai bên. Đây là câu chuyện về các đối tác lịch sử và tự nhiên đã sát cánh bên nhau trên trường quốc tế, cùng đối mặt với những thách thức chung, cùng theo đuổi những mục tiêu chung và chia sẻ những giá trị chung. Do đó, chúng tôi đã tìm kiếm những giải pháp mang lại lợi ích cho người dân cả hai bên”.

Cùng đối phó thách thức an ninh

Theo giới quan sát, các thỏa thuận vừa đạt được giữa Anh và EU không đảo ngược Brexit và cả Anh lẫn EU đều đặt ra những lằn ranh đỏ trong quan hệ mới. Về phía Anh, Thủ tướng Keir Starmer khẳng định Anh sẽ không quay lại thị trường chung và liên minh hải quan EU, không chấp nhận việc tự do di chuyển giữa Anh và EU, đồng thời cũng rất hạn chế nới lỏng các quy định trong lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ tài chính. Trong khi đó, phía EU cũng thận trọng trước việc cấp đặc quyền cho Anh mà không có nghĩa vụ tài chính tương ứng. Tuy nhiên, các thỏa thuận vừa đạt được cho phép Anh tiếp cận thị trường chung châu Âu với những ưu thế mà không quốc gia nào bên ngoài EU hay Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu – EFTA (gồm Na Uy, Thụy Sỹ, Iceland, Lichtenstein) có được.

Bên cạnh đó, ngoài các lợi ích kinh tế rõ ràng cho cả hai bên, một khía cạnh rất đáng chú ý trong các thỏa thuận Anh-EU là về an ninh-quốc phòng, khi hai bên đồng ý về một hiệp ước an ninh - quốc phòng cho phép Anh tiếp cận quỹ quốc phòng trị giá 141 tỷ USD của EU, đồng thời có nghĩa vụ đóng góp tài chính tương ứng. Về lâu dài, Anh cũng có thể tham gia tích cực và sâu rộng hơn vào chương trình “Tái vũ trang châu Âu” lên tới 800 tỷ euro (905 tỷ euro), sáng kiến được bà Ursula von der Leyen công bố hồi đầu tháng 3 vừa qua.

Đây là động thái chiến lược trong bối cảnh cả Anh và EU đều đối mặt với môi trường địa chính trị nhiều bất trắc tại châu Âu do xung đột Nga- Ukraine và các thay đổi chính sách đối ngoại từ chính quyền Mỹ. Bà Olivia O’Sullivan, Giám đốc nghiên cứu về Anh tại Chương trình thế giới, Viện Chatham House (Anh), nhận định việc Mỹ đang giảm bớt các cam kết với châu Âu buộc Anh và EU phải gắn kết chặt chẽ hơn về an ninh.

“Đây là một sự thay đổi lớn trong chính sách an ninh của Mỹ và đòi hỏi sự ứng phó từ các nước châu Âu, không chỉ là việc chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng mà còn ở việc chi tiêu cùng nhau, lên kế hoạch cùng nhau, đồng thời suy nghĩ về việc chia sẻ các năng lực quốc phòng cần thiết để bảo vệ châu Âu”.

Song song với hiệp ước an ninh-quốc phòng với EU, chính phủ Anh thời gian qua cũng đang đẩy mạnh các hợp tác an ninh riêng với các nước chủ chốt trong EU, như việc ký kết thỏa thuận phát triển tên lửa tầm xa chung với Đức hay cùng Pháp dẫn dắt nỗ lực thành lập “liên minh tự nguyện” gìn giữ hòa bình tại Ukraine trong trường hợp các bên tham gia xung đột đạt được một lệnh ngừng bắn lâu dài.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu