Ám ảnh bóng ma khủng bố

Chia sẻ
(VOV5) - Cách đây tròn 2 năm, ngày 2/5/2011, cả nước Mỹ hân hoan ăn mừng sự kiện trùm khủng bố Bin Laden, kẻ được cho là chủ mưu đứng sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, đã bị tiêu diệt. 2 năm sau vụ đột kích gây xôn xao thế giới, mặc dù sào huyệt mạng lưới Al-Qaeda của trùm khủng bố này tại Pakistan đã bị tiêu diệt, song các chi nhánh của tổ chức này vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, đe dọa trực tiếp đến an ninh nước Mỹ cũng như toàn thế giới.

(VOV5) - Cách đây tròn 2 năm, ngày 2/5/2011, cả nước Mỹ hân hoan ăn mừng sự kiện trùm khủng bố Bin Laden, kẻ được cho là chủ mưu đứng sau vụ tấn công khủng bố 11/9/2001, đã bị tiêu diệt. 2 năm sau vụ đột kích gây xôn xao thế giới, mặc dù sào huyệt mạng lưới Al-Qaeda của trùm khủng bố này tại Pakistan đã bị tiêu diệt, song các chi nhánh của tổ chức này vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, đe dọa trực tiếp đến an ninh nước Mỹ cũng như toàn thế giới.

Ám ảnh bóng ma khủng bố - ảnh 1
Một nạn nhân trong vụ đánh bom ở Boston ngày 15/4 đang được cấp cứu. (Ảnh: phunuthudo)


Tại Mỹ, thời điểm này, Mỹ đang tăng cường các biện pháp an ninh. Tổng thống Mỹ Barack Obama chỉ thị triển khai mọi biện pháp có thể để bảo vệ người dân. Đại sứ quán Mỹ tại Pakistan cũng đã đề nghị nhân viên không đến các nhà hàng hay những nơi đông đúc tại thủ đô Pakistan vào thời điểm này. Hôm nay, tại Pakistan cũng diễn ra các hoạt động kỷ niệm 2 năm Bin Laden bị lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt. Không thể phủ nhận rằng vụ đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden cách đây 2 năm là một thành công lớn của Washington. Thứ nhất, nó xóa bỏ được vĩnh viễn nỗi ám ảnh mang tên Bin Laden đối với nước Mỹ, khi tên này là kẻ chủ mưu tổ chức các vụ tấn công nhằm vào nước Mỹ vào ngày 11/9 cách đây 12 năm. Thứ 2, khi mắt xích Bin Laden bị chặt đứt, đã làm suy yếu các tổ chức khủng bố trên toàn cầu.

Còn nhớ, 2 năm trước, khi trùm khủng bố Osama Bin Laden bị tiêu diệt, người dân Mỹ và cả thế giới thở phào nhẹ nhõm. Tuyên bố của quan chức chính quyền Mỹ rằng cái chết của tên trùm khủng bố này đã làm suy yếu tổ chức Al-Qaeda và nó không còn là tổ chức khủng bố có thể tiến hành những vụ tấn công như vụ 11/9/2001 nữa, đã trấn an tinh thần của người dân Mỹ và nhiều người tin rằng từ đây nước Mỹ sẽ hoàn toàn sống trong bình yên. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy. Kể từ sau cái chết của Bin Laden, các cuộc tấn công phức tạp với quy mô lớn đã được loại trừ, song những cuộc tấn công đơn lẻ là mối nguy hiểm ngày càng lớn. Tuy không được chỉ đạo trực tiếp từ Al-Qaeda nhưng những cuộc tấn công này vẫn là thách thức lớn với lực lượng chống khủng bố. Bằng chứng là trong suốt 2 năm qua, nước Mỹ đã đối mặt với hàng loạt âm mưu đánh bom nhằm vào các quan chức cũng như các cơ quan đầu não của nước này. Và gần đây nhất là vụ đánh bom tại giải chạy marathon quốc tế tại Boston hôm 15/4.

Mặc dù con số thương vong không lớn nhưng với người Mỹ, vụ nổ bom tại một sự kiện thể thao lâu đời nhất nước Mỹ, đã làm dấy lên mối lo ngại nghiêm trọng về vấn đề an ninh. Đặc biệt nó diễn ra vào thời điểm nhạy cảm, chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là nước Mỹ kỷ niệm tròn 2 năm ngày Bin Laden bị tiêu diệt. Đồng thời, bang Massachussett với thủ phủ là Boston, 15/4 còn là ngày "Patriot's Day", kỷ niệm hai trận chiến đầu tiên trong cuộc chiến tranh giành độc lập cho nước Mỹ trước sự đô hộ của thực dân Anh cuối thế kỷ 18. Rõ ràng, vụ tấn công đã tạo ra sự chú ý lớn không chỉ với nước Mỹ, mà cả thế giới. Thêm vào đó, dù lực lượng Al Qaeda bị suy yếu nhưng 2 năm qua, các phong trào khủng bố khác vẫn không ngừng mở rộng hoạt động tại Ápganistan, Pakistan và một loạt các quốc gia châu Phi. Sau những biến động chính trị mạnh mẽ tại Trung Đông-Bắc Phi, Al – Qaeda cũng đang hình thành một mạng lưới liên hoàn nối liền Somalia qua Biển Đỏ tới Yemen. Tin tức về các vụ tấn công khủng bố diễn ra hàng ngày ở những điểm nóng này cho thấy cái chết của Bin Laden chưa đủ để khỏa lấp những mối lo ngại được xới lên. Điều nguy hiểm ở chỗ, phong trào Al - Qaeda cùng với hệ tư tưởng Thánh chiến Hồi giáo và triết lý của Bin Laden vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới, và trở thành mầm mống reo rắc tư tưởng cực đoan trong một bộ phận giới trẻ. Nếu nhìn vào thủ phạm vụ đánh bom ở Boston và cách thức tiến hành vụ tấn công có thể thấy rõ điều này. 2 quả bom gài đặt tại thành phố Boston là loại bom tự chế bằng nồi áp suất, tương tự như loại vũ khí mà các tay súng Hồi giáo cực đoan thường sử dụng ở Afghanistan, Ấn Độ và Pakistan. Nó cũng từng được sử dụng trong vụ đánh bom tại quảng trường Thời đại ở thành phố New York hồi năm 2010. Mạng lưới khủng bố al-Qaeda năm 2012 cũng từng đăng tải trên mạng một bản hướng dẫn tự chế bom bằng nồi áp suất, kêu gọi tiến hành các cuộc tấn công bằng loại bom này. Dù các nhà chức trách khẳng định, quả bom tự chế ở Boston có kích thước khá nhỏ và đây là một vụ tấn công nội địa, không dính líu đến các phần tử khủng bố al-Qaeda, nhưng rõ ràng là cách thức mà những kẻ thực hiện tấn công tiến hành thì ít nhiều đã bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của những kẻ khủng bố.

Hai năm sau cái chết của Bin Laden, không thể phủ nhận những thành quả cũng như quyết tâm của chính quyền Obama trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng mặc dù trùm khủng bố Bin Laden bị tiêu diệt, nhưng lực lượng Al-Qaeda vẫn đang là mối lo ngại lớn. Những bất ổn chính trị ở các quốc gia Trung Đông, Châu Phi và sự can dự của các nước lớn trong việc thay đổi chế độ ở các quốc gia này sẽ là điều kiện để các tổ chức khủng bố mở rộng hoạt động. Cuộc chiến chống khủng bố chắc chắn sẽ còn là một cuộc chiến lâu dài./.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu