100 triệu dân và cơ hội cho Việt Nam phát triển

Vân Lê
Chia sẻ
(VOV5) - Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, tất cả các quốc gia đều coi nguồn nhân lực là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Quy mô dân số Việt Nam chạm mốc 100 triệu dân. Đây là con số thực sự có ý nghĩa trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, tất cả các quốc gia đều coi nguồn nhân lực là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

100 triệu dân và cơ hội cho Việt Nam phát triển - ảnh 1

                         Quy mô dân số Việt Nam chạm mốc 100 triệu dân. Ảnh: Quang Vinh

Dân số đạt 100 triệu người đồng nghĩa với việc Việt Nam chính thức trở thành 1 trong 15 quốc gia trên thế giới và 1 trong 3 quốc gia khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia và Philippines) có quy mô trên 100 triệu dân. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là một lợi thế lớn với Việt Nam khi được bổ sung nguồn nhân lực lớn để có thể tăng trưởng và bứt tốc.

Mốc quan trọng đối với Việt Nam

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ kế hoạch và đầu tư), sự biến đổi trong quy mô dân số Việt Nam ghi nhận rõ nét nhất qua hai giai đoạn. Từ đầu những năm 1950, quy mô dân số Việt Nam chỉ khoảng 25 triệu người. Đến những năm 1970, quy mô tăng gấp đôi lên 50 triệu người. Hiện nay, quy mô đạt 100 triệu người. Như vậy, Việt Nam cần 20 năm để dân số tăng lên gấp đôi trong giai đoạn 1950 - 1970. Nhưng đất nước cần 50 năm để quy mô dân số tiếp tục tăng lên gấp đôi, từ 50 triệu lên 100 triệu trong giai đoạn từ sau những năm 1970 đến nay. Do vậy, mốc 100 triệu dân được coi là một sự kiện bởi nó cho thấy vị thế của Việt Nam về mặt nhân khẩu trên thế giới. Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Qũy dân số thế giới (UNFPA) tại Việt Nam, khẳng định: “Việt Nam đạt dân số 100 triệu người và Việt Nam sẽ là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới. Đó là câu chuyện chiến thắng và là một mốc quan trọng đối với Việt Nam. Tôi thực sự chúc mừng chính phủ Việt Nam về điều đó. Bởi vì Việt Nam, một đất nước từng bị chiến tranh tàn phá, nay đã thành công trong việc phát triển dân số, đưa một lượng lớn dân số thoát khỏi đói nghèo và đảm bảo mức tăng trưởng kinh tế xã hội ấn tượng”.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, việc đạt 100 triệu dân mang lại cho Việt Nam 2 tiềm năng lớn. Thứ nhất là dân số của Việt Nam vẫn đang tiếp tục gia tăng tự nhiên, chưa bị rơi vào nguy cơ như một số quốc gia là dân số giảm. Thứ hai, dân số tăng cao sẽ tạo ra các thế hệ trẻ tương lai, cơ cấu tuổi trẻ gia tăng khiến nguồn lực lao động cho xã hội tiếp tục được bổ sung. Điều này giúp làm chậm quá trình già hóa dân số và kéo dài thời kỳ dân số vàng của đất nước.

100 triệu dân và cơ hội cho Việt Nam phát triển - ảnh 2

       Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Qũy dân số thế giới (UNFPA) tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Cơ hội vàng và thách thức

Việt Nam hiện đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, với gần 70% dân số trong độ tuổi lao động. Theo quy luật, thời kỳ dân số vàng là cơ hội "có một không hai" để các quốc gia phát triển kinh tế - xã hội và cơ hội này chỉ xảy ra một lần trong lịch sử phát triển của mỗi quốc gia. Thời kỳ dân số vàng của Việt Nam sẽ còn tiếp diễn đến năm 2039 với sự hiện diện của các nhóm dân số trẻ có năng suất lao động cao, đồng thời có thể khai thác lợi thế về cơ cấu dân số để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước hơn nữa. Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, bà Naomi Kitahara, cho rằng: “Dân số đạt 100 triệu người cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam có thị trường nội địa rộng lớn, cùng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn với nguồn lao động khỏe mạnh, có trình độ học vấn và tay nghề. 100 triệu người dân Việt Nam tượng trưng cho 100 triệu hy vọng, 100 triệu giấc mơ, 100 triệu cơ hội”.

Không thể phủ nhận những cơ hội của việc dân số đạt 100 triệu dân, song dấu mốc này cũng đặt ra cho Việt Nam những thách thức trong việc nâng cao chất lượng dân số, nhất là việc đảm bảo giáo dục, y tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Hơn thế, đây cũng chính là bảo đảm quyền con người của người dân.

Phát biểu tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (tháng 12/2021, tại Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng: “Một vấn đề hết sức quan trọng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Lớn nhất là chúng ta lo cho một trăm triệu dân ấm no, hạnh phúc, dân chủ đấy là nhân quyền; phải cụ thể hóa bằng việc phát huy tối đa yếu tố con người, lấy con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển”.

Trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, tất cả các quốc gia đều coi nguồn nhân lực là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc Việt Nam đón công dân thứ 100 triệu được coi là một dấu mốc đáng tự hào, là cơ hội nâng cao vị thế phát triển của đất nước. Vấn đề còn lại là việc tận dụng thời cơ này như thế nào để Việt Nam có thể hoàn thành các mục tiêu phát triển đất nước như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu