“Xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" là chủ đề của Hội thảo chuyên đề thứ 6 thuộc chuỗi 10 hội thảo trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0, do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức chiều 11/11, tại Hà Nội.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Nguyễn Trang/qdnd.vn |
Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư xác định phát triển Chính phủ số là nhiệm vụ trọng tâm, là giải pháp đột phá nhằm cung cấp dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp, toàn bộ các cơ quan nhà nước chuyển sang hoạt động trên môi trường số.
Việt Nam hướng tới có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số ở mức độ cao trên thế giới, thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu vào năm 2025, thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu vào năm 2030 theo xếp hạng của Liên hợp quốc.
Chính phủ số bản chất là Chính phủ điện tử, nhưng cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số. Chính phủ điện tử đặc trưng bởi “bốn không”, họp không gặp mặt, xử lý văn bản không giấy, giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt. Chính phủ số thêm “bốn có”: có hành động an toàn trên môi trường số, có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng, có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu và có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội.
Tại Hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi những kinh nghiệm trong xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số, từ dịch vụ công trực tuyến thành dịch vụ số, từ hệ thống công nghệ thông tin sang nền tảng số; từ sự tham gia của cơ quan nhà nước thành sự tham gia của nhà nước và người dân, doanh nghiệp.