Ngày 21/03 hằng năm được Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn là Ngày quốc tế về Rừng. Là quốc gia có diện tích rừng lớn, với khoảng hơn 14,7 triệu ha, trong những năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực và tích cực trong việc quản lý và bảo vệ rừng, tài nguyên rừng. Điều này mang lại giá trị cho phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt còn được xem là vũ khí sống còn để thích nghi với biến đổi khí hậu.
Cán bộ kiểm tra khu vực rừng đầu nguồn Sin Suối Hồ (tỉnh Lai Châu) - Ảnh: kinhtemoitruong.vn
|
Theo Công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2021, Việt Nam hiện có hơn 14,7 triệu ha trừng. Với cam kết mạnh mẽ cùng quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, trong những năm qua, nhiều chính sách về quản lý và bảo vệ rừng đã được Việt Nam ban hành. Ngày 12/07/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Chương trình đặt mục tiêu góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc khoảng 42%. Nhiều mô hình quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học đã được Việt Nam và các tổ chức quốc tế triển khai hiệu quả, góp phần cải thiện sinh kế bền vững cho người dân, đồng thời giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về quản lý và bảo vệ rừng.
Ông Vũ Thành Nam, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, cho biết: "Độ che phủ của rừng Việt Nam tính đến năm 2022 là 42%, thuộc nhóm nước có độ che phủ rừng cao trên thế giới. Diện tích rừng tự nhiên hiện nay khoảng 10,3 triệu ha. Thời gian qua, Việt Nam đã duy trì được diện tích rừng tự nhiên thông qua các biện pháp, như khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng. Và đặc biệt, diện tích rừng tự nhiên của Việt Nam ở 1 số vùng đã tăng lên".
Tỉnh Quảng Nam đang quy hoạch diện tích trồng rừng gỗ lớn - Ảnh: VOV
|
Ở các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung, diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp tương đối lớn, chiếm hơn 80% tổng diện tích đất tự nhiên. Tại đây, phát triển kinh tế rừng là một trong những ưu tiên trọng tâm gắn bảo vệ rừng với sinh kế cho người dân. Vừa khai thác được lâm sản ngoài gỗ, vừa bảo vệ được những cánh rừng tự nhiên là cách mà người dân sống gần rừng đang triển khai hiệu quả.
Ở xã Sông Kôn, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, có người dân tộc Cơ Tu sinh sống, trước đây, người dân vốn thường đi rừng, lấy gỗ về bán để có thu nhập. Từ khi có hợp tác xã khuyến khích người dân làm nghề đan lát mây tre, từ người già đến lớp trẻ người Cơ Tu rất hào hứng tham gia. Đây là một trong những hoạt động thuộc dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Dự án hỗ trợ 2,8 triệu USD trong 5 năm (2020-2025) để người dân tham gia vào các chuỗi giá trị sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ, đặc biệt là mây, tre, lá dược liệu theo hướng bền vững, có chứng chỉ rừng; thúc đẩy trồng và sản xuất rừng gỗ lớn.
Ông Bling Bló, người dân xã Sông Kôn, cho biết: "Hạn chế họ đi rừng, đi núi, khuyến khích họ làm ở nhà để có thu nhập cao. Ở địa phương chúng tôi có du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nên cũng quảng bá, giới thiệu được các mặt hàng đan lát này".
Thực tế cho thấy bảo vệ rừng không thể tách rời lợi ích của cộng đồng. Giai đoạn 2016 – 2020, hằng năm có khoảng 1.100 lượt thôn, bản, vùng đệm, các khu bảo tồn đã được nhà nước hỗ trợ phát triển với tổng kinh phí khoảng 43,8 tỷ đồng (hơn 1,85 triệu USD). Bên cạnh đó, nhiều tổ chức quốc tế cũng tham gia phát triển sinh kế bền vững cho người dân tại vùng đệm, vườn quốc gia, khu bảo tồn… góp phần quan trọng trong việc bảo vệ diện tích rừng của Việt Nam.