Sáng 6/11, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức hội thảo tham vấn quốc gia về dự thảo Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt và các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Anh Thư/VOV |
Chương trình ra đời năm 2000 theo Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, với 2 mục tiêu là: bảo đảm tốt hơn các quyền của phụ nữ, trẻ em gái và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong mọi mặt giai đoạn của tiến trình giải quyết xung đột, xây dựng hòa bình.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, đến nay, Chương trình nghị sự này đã trở thành khuôn khổ quan trọng, là cơ sở để tập hợp nguồn lực, tổ chức hành động, hỗ trợ phụ nữ trong bối cảnh xung đột, khủng hoảng, từ đó giúp họ bảo vệ tốt hơn các quyền và phát huy hiệu quả hơn vai trò của mình trong xã hội. Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước, tạo dựng nên truyền thống bản sắc của người Việt Nam. Hiện nay, họ còn là những cán bộ, doanh nhân, nữ chiến sĩ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Thứ trưởng khẳng định, chính những hoạt động phong phú này đã thôi thúc Nhà nước Việt Nam đặt ưu tiên quan trọng cho việc thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Ưu tiên này được khẳng định khi Việt Nam lần đầu tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2008-2009.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt phát biểu khai mạc. Ảnh: Anh Thư/VOV |
Việt Nam đã ghi dấu ấn quan trọng khi chủ trì thúc đẩy Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết 1889 (2009) về vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong bối cảnh hậu xung đột - 1 trong 4 Nghị quyết trụ cột của Chương trình Nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh của Hội đồng Bảo an. Việt Nam hiện cũng là nước có tỷ lệ nữ chiến sĩ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở mức cao, đạt 16%, cao hơn nhiều so với mức trung bình của Liên hợp quốc là 4%.
Thứ trưởng nhấn mạnh phụ nữ, trẻ em gái là nguồn lực để mỗi gia đình, cộng đồng chuẩn bị tốt hơn, ứng phó hiệu quả hơn và phục hồi bền vững sau khủng hoảng. Song, những nỗ lực, đóng góp đó thường thầm lặng và chưa được phát huy đầy đủ. Do đó, việc Việt Nam triển khai xây dựng Chương trình hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh vào thời điểm này có nhiều ý nghĩa quan trọng, tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong nỗ lực chung cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy chương trình nghị sự này.
Hội thảo tham vấn về dự thảo Chương trình hành động quốc gia về Phụ nữ, hòa bình và an ninh diễn ra trong hai ngày 6/11 và 7/11.