Viện Hòa bình Mỹ tổ chức Đối thoại thường niên lần thứ 3 về khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Đối thoại tập trung vào hai chủ đề chính, là: đánh giá 1 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt-Mỹ và công bố báo cáo của USIP về hòa giải Việt-Mỹ.

Trong hai ngày 11-12/10, Viện Hòa bình Mỹ (USIP) tổ chức Đối thoại thường niên lần thứ 3 với chủ đề “Di sản chiến tranh và hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia” dưới hình thức trực tiếp tại thủ đô Washington (Mỹ) và trực tuyến.

Viện Hòa bình Mỹ tổ chức Đối thoại thường niên lần thứ 3 về khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam - ảnh 1Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng phát biểu tại Lễ kỷ niệm một năm Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, tại New York hồi tháng Chín vừa qua. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Đối thoại tập trung vào hai chủ đề chính, là: đánh giá 1 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt-Mỹ và công bố báo cáo của USIP về hòa giải Việt-Mỹ. Ngoài ra, trong khuôn khổ đối thoại còn diễn ra các cuộc tọa đàm với các chủ đề, như: Hợp tác khu vực giữa Việt Nam, Lào và Campuchia với Mỹ; Sáng kiến kiểm đếm người thiệt mạng, mất tích trong chiến tranh Việt Nam; Hỗ trợ người tàn tật và sống sót tại Việt Nam, Lào và Campuchia; Hợp tác trưng bày di sản chiến tranh tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh; Tiến triển trong rà phá bom mìn và phục hồi môi trường.

Tại Hội thảo, Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen thuộc đảng Dân chủ, thành viên Ủy ban Phân bổ Ngân sách Thượng viện, cho biết Ủy ban đã thông qua dự luật cung cấp 73 triệu USD giúp rà phá bom mìn tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Ông khẳng định cam kết cùng với các đồng nghiệp trong Quốc hội Mỹ nỗ lực trợ giúp các chương trình khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam như rà phá bom mìn còn sót lại, hỗ trợ nạn nhân chất độc màu da cam và trẻ em khuyết tật, tìm kiếm quân nhân của cả hai bên bị mất tích trong chiến tranh.

Đây là sự kiện có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham dự của khoảng 150 đại biểu, gồm: lãnh đạo USIP, đại diện của Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (USAID), giới nghiên cứu, các nhóm vận động chính sách, tổ chức phi chính phủ, đại diện ngoại giao của Việt Nam, Lào và Campuchia.

Feedback