Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), tính đến hết năm 2017, cả nước còn hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ được quy tập về các nghĩa trang nhưng chưa rõ thông tin của hơn 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Do đó, việc ứng dụng công nghệ hiện đại để xác định danh tính liệt sĩ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định thông tin cho 200 nghìn mộ liệt sỹ chưa tìm thấy này.
Nghĩa trang Liệt sĩ - nơi an nghỉ của những anh hùng
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Mong muốn được biết chính xác nơi yên nghỉ và danh tính của liệt sỹ luôn là nỗi trăn trở, khắc khoải của hàng trăm ngàn gia đình thân nhân liệt sỹ. Công tác giám định ADN chính là điểm khớp nối để xác định mối liên hệ giữa những ngôi mộ liệt sỹ vô danh với các gia đình có người thân hy sinh trong các cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc.
Theo các nhà khoa học, mỗi người có một mã ADN riêng, không ai giống ai, trừ sinh đôi cùng trứng. Chính vì vậy tấm thẻ ADN cá nhân còn được coi là tấm chứng minh thư sinh học giúp nhận diện mỗi người một cách chính xác. Thẻ ADN là tấm phim chụp những đoạn gen của khách hàng trên mỗi tấm thẻ ngoài những thông tin cá nhân thông thường, nó còn có hình ảnh giải mã ADN của người sở hữu. Với tấm thẻ này, các bác sỹ, những nhà khoa học trong lĩnh vực sinh học phân từ có thể phân tích mối quan hệ huyết thống giữa người với người.
Nhân viên Viện Công nghệ Sinh học đang tiến hành giám định ADN từ mẫu hài cốt liệt sĩ - Ảnh: qdnd.vn
|
Bác sỹ Ngô Đức Phương, Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Phân tích di truyền Gentis, cho biết: "Ý nghĩa của thẻ ADN cá nhân rất quan trọng, mình có thể dùng để xác định quan hệ huyết thống của những người có thẻ. Thẻ ADN cũng có thể dùng để bảo vệ quyền hợp pháp của mình và dùng để nhận diện khi gặp rủi ro trong một số trường hợp".
Ở các nước phát triển, việc xác định danh tính cho các hài cốt liệt sỹ được giám định ADN đã áp dụng hàng chục năm nay. Tại Việt nam, Công ty Cổ phần dịch vụ phân tích di truyền Gentis là công ty đầu tiên cung cấp dịch vụ giám định hài cốt liệt sỹ, chuẩn đoán di truyền do các nhà khoa học đầu ngành về công nghệ sinh học công ty thực hiện bằng các thiết bị công nghệ tiên tiến trên thế giới. Chị Nguyễn Thị Thuận, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, chia sẻ: "Hiện tại gia đình tôi có nhu cầu xác định danh tính thân nhân của liệt sỹ vì vậy tôi đã đến công tý Gantis để làm các xét nghiệm ADN và các xét nghiệm cần thiết khác. Kết quả của dịch vụ này rất khoa học, chính xác. Nhờ công nghệ xác định ADN, chúng tôi đã xác định được danh tính cho người thân của tôi. Kết quả mang lại cho chúng tôi là chúng tôi đã đưa được người thân của mình về với gia đình".
Năm 2017, cả nước đã tìm được 2.368 hài cốt liệt sỹ (HCLS). Để xác định danh tính của liệt sĩ cần dựa trên nhiều bằng chứng, cơ sở. Một trong những cơ sở dữ liệu (CSDL) quan trọng là ADN. Tiến sỹ Trần Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Trung tâm giám định ADN, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết hằng năm, viện nhận được khoảng 1.300 mẫu hài cốt từ Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) và gia đình thân nhân liệt sĩ gửi đến giám định bằng công nghệ gen. Năm 2017, viện đã hoàn thành việc giám định hơn 400 mẫu.
Nhân viên Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam đang kiểm tra chức năng tra cứu thông tin liệt sĩ trên website - Ảnh: qdnd.vn
|
Khi đã thu thập được các thông tin liên quan đến liệt sĩ, để có thể tra cứu một cách dễ dàng và thuận tiện, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đã phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ LĐ-TB&XH sử dụng công nghệ tính toán hiệu năng cao, các thuật toán phù hợp. Đến nay, toàn bộ dữ liệu từ Bộ LĐ-TB&XH, một phần dữ liệu của Bộ Quốc phòng đã được chuẩn hóa, tích hợp thành một cơ sở dữ liệu thống nhất. Đồng thời, Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam (Bộ TT&TT) có nhiệm vụ xây dựng website: thongtinlietsy.gov.vn và đã đưa vào hoạt động ngày 18-12-2017. Website tìm kiếm thông tin liệt sĩ có chức năng tra cứu, đối chiếu để lọc dữ liệu trùng nhau, chưa chính xác, từ đó rút ngắn thời gian xử lý, chuẩn hóa dữ liệu, đẩy nhanh công tác nghiệp vụ của cơ quan quản lý. Ngoài ra, website có giao diện để người dân gửi yêu cầu tra cứu thông tin và gửi thông tin liệt sĩ đến cơ quan chức năng thay vì trực tiếp mang văn bản đến cơ quan chức năng như trước đây.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: "Chúng tôi sẽ cập nhật bổ sung thêm những quy trình, những bước cần phải tiến hành theo nguyên tắc là cởi mở hơn, thông thoáng hơn, nhưng thông thoáng đến đâu thì cũng phải trên cơ sở quy định pháp luật. Thứ 2 là sẽ tiến hành xem xét xử lý từng tình huống, từng hoàn cảnh cụ thể, từng trường hợp cụ thể theo nguyên tắc tất cả chúng ta minh bạch, công khai làm sao để nhân dân ở địa phương ủng hộ, nhưng cũng không thể cho phép vượt qua nguyên tắc và cũng không cho phép bất cứ trường hợp nào trục lợi chính sách".
Các chuyên gia trong lĩnh vực sinh học cho biết cần có chương trình quốc gia để kêu gọi, thu thập mẫu ADN của người thân. Qua đó, tạo ra cơ sở dữ liệu về ADN của cả người thân và liệt sĩ giúp việc đối chiếu, xác định danh tính liệt sĩ dễ dàng hơn.
Trong thời gian tới, Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để hoàn thiện cơ sở dữ liệu, tiếp tục tích hợp thêm dữ liệu nghĩa trang liệt sĩ. Đồng thời, viện sẽ đề xuất các giải pháp tích hợp, phân tích thông tin đến từ nhiều nguồn, kể cả các kênh thông tin qua mạng xã hội; xây dựng đồ thị tìm kiếm thông tin, huy động các nguồn lực cùng chung tay tìm kiếm, xác minh hài cốt liệt sỹ.