Triển lãm 100 năm báo Le Paria Người cùng khổ - Nhiều bài học quý giá

Nhóm PV VOV
Chia sẻ
(VOV5) - Trong khuôn khổ Hội báo Toàn quốc 2022 tại Hà Nôi, diễn ra Triễn lãm 100 năm báo Paria  xuất bản số đầu tiên.

Cách đây 100 năm, báo Le Paria (Người cùng khổ) ra số đầu tiên. Sáng lập và làm báo “Người cùng khổ”, Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã cùng các đồng chí của mình tạo ra “một luồng gió mới thổi đến nhân dân các nước bị áp bức”.   Hiện nay, những tư liệu lịch sử về tờ báo Le Paria và quá trình hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian phát hành tờ báo này vẫn được lưu trữ tại các viện lưu trữ, các thư viện tại Pháp…Trong khuôn khổ Hội báo Toàn quốc 2022 tại Hà Nôi, diễn ra Triễn lãm 100 năm báo Paria  xuất bản số đầu tiên. 

 Triển lãm diễn ra tại khuôn viên sân Bảo tàng Hà Nội với nhiều hình ảnh về tờ báo Le Paria xuất bản tại Pháp từ thế kỷ trước. 100 năm trước, người Thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã cùng các nhà hoạt động cách mạng quốc tế đến từ các nước thuộc địa khác của Pháp như Algeria, Tunisia, Ma-rốc… lập Hội liên hiệp thuộc địa và xuất bản ngay tại Pari tờ báo Le Paria (Người cùng khổ).
Triển lãm 100 năm báo Le Paria Người cùng khổ - Nhiều bài học quý giá - ảnh 1Nhà báo Tô Hà, nguyên phóng viên Báo Tiền Phong tới tham quan Trưng bày chuyên đề "100 năm báo Le Paria (Người cùng khổ)"

Tham quan triển lãm, ông Kiều Văn Sinh, 80 tuổi ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: Ông đã được đọc một số bài báo của tờ Người cùng khổ dịch ra tiếng Việt và để lại ấn tượng sâu sắc về cách viết giản dị, chân thực của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đây là một tờ báo có giá trị hiện thực. Do có giá trị hiện thực nên có sức chiến đấu lôi cuốn và đoàn kết được các dân tộc, vừa tố cáo bọn thực dân Pháp ở Đông Dương. Có thể nói là nó làm cho các nhà báo ngày nay phải noi gương tinh thần của bác Hồ, chiến đấu không phải bằng súng ống mà chiến đấu bằng ngòi bút”.

Đây là cũng dịp để nhiều nhà báo được sống lại một thời kỳ lịch sử, hồi tưởng về những chi tiết, những nội dung mà đối với người làm báo là bài học vô cùng quý giá. Nhà báo Tô Hà, nguyên phóng viên Báo Tiền Phong cho biết:

“Thời đại Hồ Chí Minh thì luôn luôn có tôn chỉ, mục đích nghề nghiệp của người làm báo, “viết gì? viết cho ai? cho ai đọc? và phải hiểu biết đúng. Chủ đề viết đúng, viết trúng đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, gặp người trình độ bình thường có thể hiểu được đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, làm theo chính sách của Đảng và Nhà nước”

Xem và đọc tờ báo Le Paria, những nhà báo trẻ cũng học được cách viết giản dị, chân thực của Nhà báo Nguyễn Ái Quốc và hiểu hơn giá trị lịch sử to lớn của tờ báo đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập.

Nhà báo Trần Hoài Thu, Tạp chí Lý luận giáo dục, Học viện Chính trị Khu vực I cảm nhận: “Mình thấy có những cuộc triển lãm như thế này, ngày hội như này thì anh em báo chí cũng có điều kiện để nhìn lại những gì mình đã làm và trải qua. Rất cảm ơn những người đã đưa được những hình ảnh mà có lẽ là mình cũng chưa được nhìn thấy hoặc có những hình ảnh mình đã được nhìn thấy nhưng qua cuộc triển lãm cho mình thêm yêu nghề của mình cũng như hiểu hơn cả quá trình làm báo”

“Em nghĩ rằng điều mình học hỏi được, thứ nhất là cách viết rất súc tích, ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề và mình đọc thì mình cảm thấy lòng yêu nước của mình luôn luôn có, luôn trong tim mỗi người Việt Nam. Nếu như sau này có theo ngành báo, em nghĩ mình cần phải học hỏi cách viết cũng như cách truyền tải thông điệp này”. Sinh viên Nguyễn Phương Anh, Đại học Nội vụ chia sẻ:

Báo Le Paria duy trì hoạt động được 4 năm (từ năm 1922 đến năm 1926) và xuất bản được 38 số với nội dung chống chủ nghĩa thực dân và kêu gọi đoàn kết các dân tộc bị áp bức, đã tạo được ảnh hưởng lớn đối với bạn đọc, đối với công luận Pháp và đặc biệt đối với phong trào yêu nước ở các nước thuộc địa. Sự ra đời của tờ báo Le Paria - Người cùng khổ đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Đông Dương và các nước thuộc địa, thức tỉnh những người bị áp bức, bóc lột và là dấu mốc quan trọng trong phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta và các thuộc địa của Pháp.

Feedback