Từ 7 năm trước, ngày 9/11 hàng năm trở thành ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho người dân trong xã hội. Đồng thời, tăng cường nhận thức của người dân về vai trò của luật pháp trong đời sống, tăng cường hiểu biết pháp luật và khả năng thực thi pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động kinh tế - xã hội và sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Quán triệt tinh thần đó, trong 7 năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác hoàn thiện thể chế về quân sự, quốc phòng đã được Bộ Quốc phòng đặc biệt quan tâm, triển khai thực hiện. Nhiều dự án Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành luật do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo được ban hành, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng.
Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết: "Có thể khẳng định rằng, Ngày Pháp luật Việt Nam đã thực sự trở thành ngày hội sinh hoạt chính trị, pháp lý sôi nổi, thường xuyên trong các cơ quan, đơn vị quân đội. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật đã góp phần thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng thành các quy định của pháp luật và nhanh chóng đưa pháp luật đi vào cuộc sống, học tập, công tác của Bộ đội; bảo đảm cho Quân đội luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao".
Chủ đề Ngày pháp luật năm nay là “Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11/2020, công tác Tư pháp cả nước nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp đẩy lùi đại dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội, thiết thực chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng”.
Hưởng ứng chủ đề này, mới đây, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với UBND thành phố Cần Thơ tổ chức buổi Tọa đàm Vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân “Thượng tôn pháp luật, phát triển bền vững”. Tại buổi tọa đàm các chuyên gia, diễn giả, đại diện doanh nghiệp đã trình bày một số vấn đề liên quan đến các hoạt động kinh doanh trong khuôn khổ Pháp luật, cùng với đó, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, bày tỏ quan điểm trong những quy định Pháp luật mà doanh nghiệp thường gặp trên thị trường quốc tế như xuất nhập khẩu, cách tiếp cận các nguồn vốn vay; Việc hoàn thiện bộ phận pháp chế cho mọi loại hình doanh nghiệp…
Ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên cán bộ lãnh đạo Vụ Pháp luật, Bộ Tư pháp, nhấn mạnh: "Am hiểu và thực hiện nghiêm túc Pháp luật là đòi hỏi không thể thiếu trong kinh doanh để giảm thiểu rủi ro, chi phí trong dài hạn, nâng cao tính chuyên nghiệp và trách nhiệm xã hội. Giữa doanh nghiệp và Nhà nước là hai vấn đề luôn luôn có những cái xung khắc với nhau, phải có xung khắc thì mới có hoàn thiện, trong tư tưởng như vậy mà hoàn thiện để xã hội phát triển, để Nhà nước giúp doanh nghiệp thực chất hơn, doanh nghiệp cũng có điều kiện tuân thủ theo Pháp luật tốt hơn".
Trên cả nước, các hoạt động hướng đến Ngày Pháp luật Việt Nam giúp mọi tổ chức, cá nhân, công dân có ý thức tuân thủ pháp luật tốt hơn trong hoạt động xây dựng, thực thi pháp luật. Qua đó, những người thi hành pháp luật cũng sẽ nhận được những thông tin phản hồi, những quan điểm đánh giá về tất cả các quy định pháp luật cũng như cách thức thực hiện, hiệu quả của hệ thống pháp luật đối với đời sống xã hội. Từ đó góp phần hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật, cũng như cải thiện, nâng cao hoạt động của hệ thống tư pháp...