Tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua đề án xây dựng và phát triển không gian đô thị Huế đến năm 2030 tầm nhìn 2050

Lê Hiếu/VOV-Miền Trung
Chia sẻ

(VOV5) - Theo đề án này, phạm vi mở rộng đô thị Huế gấp 5 lần so với diện tích thành phố Huế hiện hữu.

Tỉnh Thừa Thiên Huế vừa thông qua đề án xây dựng và phát triển không gian đô thị Huế đến năm 2030 tầm nhìn 2050. Theo đề án này, phạm vi mở rộng đô thị Huế bao gồm thành phố Huế hiện hữu và một phần 2 thị xã Hương Thủy, Hương Trà và huyện Phú Vang, với diện tích khoảng 348 km², rộng gấp 5 lần so với diện tích thành phố Huế hiện hữu.

Tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua đề án xây dựng và phát triển không gian đô thị Huế đến năm 2030 tầm nhìn 2050 - ảnh 1 Ảnh: baodansinh.vn

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đề án này đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện. Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết: “Thành phố Huế tương lai sẽ là thành phố trung tâm của tỉnh Thừa Thiên Huế, với diện tích đủ rộng để phát triển một cách toàn diện, lấy trục cảnh quan sông Hương làm chính và mở rộng ở phía Nam, ở phía Bắc và tập trung theo trục sông Hương. Thành phố Huế tương lai sẽ bao gồm các di sản, di tích để thuận lợi cho quản lý, vừa đảm bảo miền biển, đồng bằng cũng như vùng trung du để phát triển một cách toàn diện nền kinh tế. Mục đích để giãn dân từ nội thành ra ngoại ô, để bảo vệ di sản trong nội đô thành phố Huế.”

Đô thị Huế sẽ mở rộng theo hướng Đông - Tây và Bắc - Nam, với trục cảnh quan "xương sống" là sông Hương kéo dài từ vùng rừng núi phía tây Bình Điền về biển; kết nối biển Thuận An, đầm phá Tam Giang với trung tâm Huế. Theo phương án điều chỉnh mở rộng này, đô thị cổ với khu di sản thế giới - Kinh thành Huế ở bờ bắc sông Hương, đô thị ở bờ nam sông Hương sẽ được bảo tồn; trong khi đó, các vùng đã đô thị hóa quanh Huế sẽ được chính thức trở thành đô thị. Tiến sĩ Đặng Văn Bài, nguyên Ủy viên Hội đồng di sản thế giới, cho rằng Huế là cố đô còn giữ hình hài nguyên vẹn nhất so với những cố đô khác trên toàn quốc, vì vậy Huế phải phát triển theo hướng đô thị di sản: “Mở rộng thành phố Huế thì giữ cho được cảnh quan đôi bờ Sông Hương, từ Phụng Sơn cho đến cửa biển Thuận An; vì nó là trục quy hoạch và nó có vai trò quan trọng, làm nên sắc thái Thừa Thiên Huế.”

Việc mở rộng không gian đô thị Huế sẽ giúp bảo tồn và phát huy tốt giá trị di sản Quần thể di tích Cố đô Huế được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới vào ngày 11 tháng 12 năm 1993.

Feedback