Tỉnh Sóc Trăng giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương, hòa nhập cộng đồng

Ngọc Anh
Chia sẻ
(VOV5) -  Các tổ chức đoàn thể thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, tâm tư của người chấp hành xong án phạt tù để tư vấn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho họ.

Giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về tái hòa nhập cộng đồng là trách nhiệm của toàn xã hội. Tỉnh Sóc Trăng là một trong những địa phương làm tốt công tác này, giúp những người lầm lỗi hoàn lương, xây dựng cuộc sống mới, trở thành những công dân có ích. 

Tỉnh Sóc Trăng giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương, hòa nhập cộng đồng - ảnh 1Thiếu tá Thạch Quốc Thi thăm, trò chuyện với vợ chồng Trần Út Em. Ảnh: Ngọc Anh

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

 

- Bấm số điện thoại, rồi chúng ta tiến hành bấm đăng ký, màn hình yêu cầu nhập lại số. Số điện thoại của ai tên của chồng hay vợ?

- Của vợ

- Nhập số căn cước. Phầm mềm hướng dẫn mình đặt mật khẩu thì mật khẩu gồm có số, chữ và ký tự đặc biệt. Số dễ nhớ là 1,2,3,4,5 đi. Tên đề vợ của em. Phải có chữ hoa ở đầu, ký tự đặc biệt, chọn dấu sao, rồi chúng ta tiến hành đăng ký

Trên đây là đoạn hội thoại giữa Thiếu tá Thạch Quốc Thi, Trưởng công an xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, hướng dẫn anh Trần Út Em, người mãn hạn tù trở về địa phương, kích hoạt định danh điện tử trên điện thoại.

Anh Trần Út Em, ở xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, nhận bản án 36 tháng tù do vi phạm pháp luật, nhưng nhờ cải tạo tốt chỉ phải cải tạo 30 tháng. Chấp hành xong án, trở về địa phương được các cấp, ngành địa phương, đặc biệt là công an xã giúp đỡ, lại nhờ chăm chỉ lao động, làm ăn, nên cuộc sống gia đình anh đã ổn định. Anh Trần Út Em kể: “Tôi hiện giờ trông nom ao tôm, chăm sóc tôm. 1 năm chăm nuôi làm thuê 2 vụ tôm. Lương 8 triệu, chủ bao ăn, uống. Tôi mới mua xe chở hàng, chở hàng cát, đá, vật liệu xây dựng. Ai thuê gì chở đó. Vợ chồng chịu khó làm ăn, xây được nhà. Nhà xây dựng được 3 năm rồi. Vợ chồng tiếp tục cố gắng chăm chỉ làm ăn, nuôi con ăn học, cuộc sống cải thiện tốt hơn trước”.

Tỉnh Sóc Trăng giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương, hòa nhập cộng đồng - ảnh 2Một phòng ở của phạm nhân trong nhà tạm giữ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Ngọc Anh

Cũng giống như Trần Út Em, Huỳnh Minh Hoàng đã chấp hành án hơn 8 năm ở trại Cái Tàu, tỉnh Cà Mau, trở về địa phương, được chính quyền quan tâm, giúp đỡ, nên anh đã hoàn lương, hòa nhập cộng đồng. Anh Huỳnh Minh Hoàng cho biết: “Tôi được ngân hàng chính sách xã hội cho vay 50 triệu (1.500 USD) để làm ăn. Trồng hơn 1000 cây ổi, hơn 7 công đất (7.000 m2 trồng ổi). Ổi thu hoạch quanh năm, cây to, cây nhỏ gối nhau thu hoạch, thu nhập 30 triệu đồng/năm (hơn 1.200 USD/năm). Năm 2020, tôi trồng ổi, trước đây tôi làm ruộng”.

Cùng với sự tự giác, hoàn lương của những người lầm lỗi, các tổ chức đoàn thể thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, tâm tư của người chấp hành xong án phạt tù để tư vấn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho họ. Chính quyền địa phương cũng tổ chức thăm hỏi, động viên, giúp họ tự tin làm lại cuộc đời. Thiếu tá Thạch Quốc Thi, Trưởng công an xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Chính quyền địa phương rất quan tâm giúp đỡ các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng, không phải chỉ riêng trường hợp Trần Út Em. Ngân hàng có hỗ trợ các khoản vay ngân hàng, vay kinh doanh sản xuất, buôn bán, chăn nuôi, trồng trọt… Trần Út Em nếu có nhu cầu vay ngân hàng, tôi sẽ đề xuất với lãnh đạo ủy ban nhân dân xã xem xét hỗ trợ vay vốn ưu đãi. Không phải riêng trường hợp Trần Út Em mà cho vay nhiều trường hợp khác”.

Các cấp chính quyền và lực lượng chức năng cũng đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và nhân rộng các mô hình tái hòa nhập cộng đồng. Trung tá Nguyễn Thanh Thùy, Trưởng công an xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, cho biết: “Chúng tôi tuyên truyền pháp luật cho các đối tượng mãn hạn tù để họ nắm được. Đồng thời, có cam kết không vi phạm pháp luật. Hằng tháng, đánh giá nhận xét về họ”.

Với sự quan tâm, sẻ chia của chính quyền tỉnh Sóc Trăng, những người từng lầm lỡ đã có điểm tựa an sinh, tái hòa nhập cộng đồng. Họ vững tin, có thêm động lực để làm lại cuộc đời.

Feedback