Thành phố Hồ Chí Minh đã lựa chọn 11/33 cơ sở đang cung cấp dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) để triển khai thí điểm điều trị PrEP từ xa với 60 khách hàng đăng ký hoặc chuyển đổi sang hình thức TelePrEP.
Khởi động triển khai thí điểm mô hình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV từ xa (Tele PrEP) tại TP.HCM. Ảnh: Kim Vân |
Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2022, thành phố Hồ Chí Minh phát hiện gần 2.760 ca nhiễm HIV, trong đó nam giới chiếm 92% tổng số ca nhiễm; 26% có độ tuổi từ 22 tuổi trở xuống, 62% ca nhiễm nằm trong độ tuổi từ 23-40.
Trong thời gian qua, do tác động của dịch COVID-19, nhiều bệnh nhân HIV, khách hàng đang sử dụng dịch vụ PrEP đã không tiếp cận được các cơ sở y tế để tiếp tục nhận dịch vụ. Vì vậy, với mô hình TelePrEP, các phòng khám có thể mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ PrEP, đa dạng hóa các mô hình PrEP, đảm bảo sự linh hoạt, thuận tiện, dễ tiếp cận, bảo mật thông tin, hướng đến chăm sóc sức khỏe toàn diện; dự phòng HIV kịp thời.
Với mô hình này, khách hàng không cần tới trực tiếp phòng khám. Bác sĩ và khách hàng sử dụng thiết bị và công nghệ thông tin để thực hiện việc khám, tư vấn và điều trị. Việc cấp phát thuốc cũng sẽ thông qua một đơn vị vận chuyển mà không cần đến trực tiếp phòng khám để nhận thuốc. Bác sĩ Trần Lê Viết Thanh, đại diện phòng khám GLink tham gia thí điểm chương trình TelePrEP, cho biết: "Trước đây khách hàng sẽ đến trực tiếp tại phòng khám để sử dụng dịch vụ thì bây giờ khách hàng có thêm một kênh mới vàà mình có thể ở nhà. Mình cũng có thể nhận dịch vụ PrEP này dành cho những khách hàng khó sắp xếp thời gian đi đến phòng khám hoặc là khách hàng ở vị trí xa so với phòng khám".
Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu thí điểm điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) vào tháng 3/2017. Đến cuối tháng 6/2022, đã có 33 cơ sở y tế (bao gồm công lập và tư nhân) triển khai hoạt động điều trị PrEP. Đến nay, chương trình đã đưa hàng chục nghìn khách hàng nguy cơ có kết quả xét nghiệm âm tính HIV vào điều trị PrEP.