Thành công của Dự án 600 Phó Chủ tịch xã trẻ tăng cường về cơ sở

Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Được triển khai từ năm 2011 tới nay, Dự án "600 Phó Chủ tịch xã trẻ" đã tạo được một lớp cán bộ có chất lượng cho các xã vùng sâu, vùng xa thuộc diện khó khăn trên cả nước. 

Ghi nhận kết quả ở nhiều địa phương cho thấy, hơn 97% đội viên của Dự án đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng của các xã.

Ngày 26/01/2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định "Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc 62 huyện nghèo" (nay là 64 huyện nghèo), hay còn gọi là "Dự án 600 Phó Chủ tịch xã trẻ".

Mục tiêu của Dự án là tăng cường đội ngũ trí thức trẻ có trình độ đại học về các xã thuộc 64 huyện nghèo cùng với chính quyền và nhân dân các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Qua đó, đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ trẻ cho các địa phương. Các xã được triển khai Dự án là những nơi có tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%, hầu hết ở các tỉnh miền núi, địa hình bị chia cắt, diện tích tự nhiên rộng nhưng ít đất canh tác, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt...

Thành công của Dự án 600 Phó Chủ tịch xã trẻ tăng cường về cơ sở - ảnh 1 Phó Chủ tịch xã Quế Sơn (Sơn Động, Bắc Giang) Trần Sỹ Trung (bìa phải) hướng dẫn thanh niên nuôi thỏ, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Ảnh: Xuân Tùng/ Báo Tiền phong

Ông Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cho rằng: "Ở những vùng sâu, vùng xa, các bạn chấp nhận về đã là một sự ghi nhận cho tinh thần của các bạn. Tôi xem chuyện đó như là môt sự dấn thân của các bạn trẻ. Những người trẻ chấp nhận đi như vậy chúng ta phải hết sức trân trọng. Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao ở các địa phương còn rất lớn, đây là giải pháp, đây là cách để chúng ta đưa các bạn trẻ về và là cách để có thể giúp cho các địa phương đó phát triển dựa trên nền tảng nguồn nhân lực chúng ta đã có, đồng thời cũng tránh đi sự lãng phí trong quá trình đào tạo."

Dự án được chính thức triển khai từ tháng 04/2011 và đến nay, sau hơn 5 năm về xã công tác, các thành viên Dự án đã thể hiện được tinh thần chủ động, sáng tạo, thường xuyên bám sát cơ sở để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, mạnh dạn đề xuất giải pháp, phương án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi tập quán, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Đặc biệt, nhiều thành viên đã có những đóng góp tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện cải cách hành chính tại địa phương. Nhiều mô hình kinh tế do các thành viên đề xuất được người dân địa phương áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình phát triển đàn mật ong gắn với khu du lịch sinh thái tại xã An Lạc, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang; đề án trồng 600.000 bầu chè chất lượng cao tại xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ; mô hình liên kết thị trường tiêu thụ lâm sản ở xã Chu Hương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn...

Ông Trang Huy Thông, Trưởng Ban tổ chức kiểm tra Tỉnh đoàn Kon Tum, đánh giá: "Các đội viên của dự án đã xác định được tinh thần của thanh niên là xung kích, tình nguyện. Các đội viên đã hết sức nỗ lực phấn đấu để cùng với địa phương phát triển kinh tế - xã hội tại những xã đặc biệt khó khăn, góp phần tích cực giúp xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Qua 5 năm, chính quyền địa phương đánh giá rất cao. Các bạn vừa có tinh thần của thanh niên, vừa có chuyên môn tốt, đã thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao theo Dự án 600 tri thức trẻ tình nguyện."

Qua thời gian công tác tại địa phương, sự chủ động của các thành viên trong Dự án không chỉ giúp họ có được những kinh nghiệm, kiến thức thực tiễn cần thiết cho vị trí Phó Chủ tịch xã mà còn giúp họ thực hiện được nguyện vọng cống hiến trí tuệ và sức trẻ cho sự phát triển của địa phương.

Cùng với đề án đưa 500 tri thức trẻ tình nguyện về các xã, Dự án 600 Phó Chủ tịch xã trẻ được tiếp tục triển khai đến năm 2020 mang lại những sự đổi thay tích cực ở các xã còn khó khăn trong cả nước.

Feedback