Ở tỉnh Tiền Giang, có một vị Thạc sĩ trẻ được nhiều doanh nghiệp biết đến những thiết bị, máy móc cơ khí gắn với tự động hóa có tính ứng dụng cao trong sản xuất. Đó là Thạc sĩ Phạm Hồng Thơm - Giám đốc Công ty Cơ khí và Tự động hóa Tân Phước Đông (ở xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang). Những thiết bị, máy móc do anh nghiên cứu, sáng chế được thị trường đón nhận và được các chuyên gia đánh giá cao.
Thạc sĩ Phạm Hồng Thơm - Giám đốc Công ty Cơ khí và Tự động hóa Tân Phước Đông (ở xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang). Ảnh: VOV |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh với chuyên ngành cơ khí tự động hóa, anh Phạm Hồng Thơm tiếp tục học Thạc sĩ tại trường Đại học Quốc gia Pukyong của Hàn Quốc và tốt nghiệp với kết quả tuyệt đối (100/100). Anh từng có một số bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí nổi tiếng trong nước và nước ngoài bằng tiếng Anh (như: Science direct.com - Mỹ, IEEE Transations on Reliability - Hiệp hội các nhà nghiên cứu thế giới đặt tại Mỹ…) Sau thời gian học tập tại nước ngoài, với mong muốn ứng dụng những kiến thức đã học được ở Hàn Quốc vào điều kiện thực tế của Việt Nam, tháng 8/2012, Phạm Hồng Thơm đứng ra thành lập Công ty TNHH Một thành viên cơ khí và tự động Tân Phước Đông. Công ty chuyên nghiên cứu sản xuất các thiết bị máy móc tự động hóa phục vụ ngành nông, lâm, ngư nghiệp như: máy cưa CD tự động, máy mài lưỡi cưa tự động, máy cân bằng động, thiết bị hẹn giờ cho quạt ô xy (sử dụng cho nghề nuôi tôm)… Những sản phẩm, thiết bị do anh sáng chế đều có những tính năng vượt trội hơn so với thực hiện bằng phương pháp thủ công, chi phí đầu tư phù hợp. Ông Nguyễn Đức Lâm, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Quế Lâm, ở Thạch Thất, Hà Nội, là khách hàng quen thuộc của Thạc sĩ Phạm Hồng Thơm suốt 5 năm qua, đánh giá: “Máy của họ làm rất là tốt. Thứ nhất là chất lượng, thứ hai là về tính năng sử dụng thì rất thuận lợi. Tức là những người chỉ cần học hết phổ thông là có thể sử dụng được. Nó vừa là thiết bị tự động, vừa là bán tự động cho nên rất hợp lý so với những vùng nông thôn như chúng tôi. So với những máy móc trước đây thì nó công suất hoạt động gấp 1,5 đến 2 lần, độ an toàn tuyệt đối”.
Qua nghiên cứu tiếp cận với thực tế, Thạc sĩ Phạm Hồng Thơm nhận thấy ngành cơ khí cần phải gắn với ngành điện tử mới, tạo ra bước đột phá trong việc tự động hóa các thiết bị máy móc và dây chuyền sản xuất. Đặc biệt, trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, muốn thành công, doanh nghiệp, doanh nhân phải biết tận dụng và phát huy thế mạnh của mình gắn với không ngừng nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ để tạo ra nhiều sản phẩm mới có tính khác biệt về chất lượng, công năng, giá cả nhằm đáp ứng kịp thời những nhu cầu của thị trường. Thạc sĩ Phạm Hồng Thơm chia sẻ: “Để ra được một sáng chế thì nó xuất phát từ nhu cầu thực tế bên ngoài. Do đó, ban đầu, tôi khảo sát yêu cầu thực tế bên ngoài, rồi đến môi trường, thị trường của Việt Nam, những vấn đề nào chưa có, những gì mà chưa phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam thì nghiên cứu những vấn đề đó. Thứ hai là mình thiết kế. Các phương án thiết kế mình làm trên máy tính, tính toán, mô phỏng sau đó mới đưa vào sản xuất thử nghiệm. Trong quá trình này cũng phải phân tích rất nhiều để mình đạt được kết quả tốt nhất, sau đó mới đưa ra thị trường”.
Trong các sáng tạo kỹ thuật của anh Thơm, sản phẩm nổi bật nhất là công trình chế tạo thành công máy cưa CD tự động, loại máy chuyên dùng cưa xẻ gỗ mẫu mã đẹp, tiện ích hơn những máy cưa xẻ gỗ truyền thống. Hiện tại, sản phẩm này không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang Lào, Campuchia một số nước châu Phi.
Tại tỉnh Tiền Giang, anh Phạm Hồng Thơm là một trong những tấm gương đầy nhiệt huyết, đam mê với công tác nghiên cứu, sáng tạo khoa học, đồng thời là một trong những hạt nhân góp phần làm lan tỏa mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp ở địa phương. Kỹ sư Nguyễn Văn An, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Tiền Giang, nhận xét: “Anh Thơm có óc sáng tạo rất tốt, tìm tòi từ đời sống đề sản xuất ra máy móc. Anh ấy có nhiều giải pháp để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, rất dễ học. Ngoài ra, khả năng tư duy độc lập của anh Thơm cũng rất tốt, dám nghĩ, dám làm. suốt ngày mày mò để sáng tạo ra những cái mới phục vụ cho sản xuất và đời sống. Tuổi còn trẻ như vậy, chắc chắn còn có thể tiến xa hơn nữa”.
Hiện Thạc sĩ Phạm Hồng Thơm và đồng nghiệp vẫn đang trên hành trình nghiên cứu chế tạo các sản phẩm mới, phát triển từ máy cưa CD tự động để tạo ra một hệ thống sản phẩm đồng bộ, giúp khách hàng hoàn thiện dây chuyền cưa xẻ gỗ, đáp ứng nhu cầu ngành đóng sửa tàu thuyền, góp phần tạo hậu cần vững chắc cho nghề cá các tỉnh phía Nam.Với ước mơ làm giàu cho quê hương cùng bản lĩnh trí tuệ, dám nghĩ, dám làm, làm chủ khoa học, làm chủ công nghệ, Thạc sĩ Phạm Hồng Thơm và cộng sự luôn không ngừng sáng tạo những sản phẩm hữu ích phục vụ cho đời sống lao động sản xuất của người nông dân và các doanh nghiệp.