Tính đến 14 giờ chiều 4/8, thiệt hại do mưa lũ gây ra về người, nhà cửa, tài sản và hoa màu tại các tỉnh Tây Bắc ước tính gần 650 tỷ đồng. Trận lũ này xảy ra đồng loạt ở các tỉnh Tây Bắc, được coi là trận lũ lịch sử trong rất nhiều năm qua trên địa bàn làm 33 người chết và mất tích; 12 người bị thương... Việc chỉ trong "tích tắc" lũ cướp đi mạng sống của mấy chục người là nỗi đau quá lớn đối với nhiều gia đình đồng bào ở Tây Bắc.
Hiện nay, các địa phương trong khu vực đang động viên, chia sẻ, hỗ trợ các gia đình có người chết, mất tích, bị thương để họ phần nào với đi nỗi khổ niềm đau và khẩn trương khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra, nhằm nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất cho người dân.
Tính đến thời điểm này tại 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Yên Bái mưa lũ đã làm 33 người chết và mất tích; 12 người bị thương; hơn 240 ngôi nhà bị sạt lở, cuốn trôi; nhiều công trình trường học, trạm y tế, cầu cống, đường giao thông, thủy lợi... bị hư hỏng hoàn toàn.
|
Hình ảnh lũ quét ở Yên Bái. |
Việc chỉ trong "tích tắc" lũ đã cướp đi mạng sống của mấy chục người là nỗi đau quá lớn đối với nhiều gia đình đồng bào ở Tây Bắc không biết bao giờ mới nguôi ngoai. Còn hiện các tuyến đường quốc lộ 12, 279B, 4H qua tỉnh Điện Biên và quốc lộ 32 qua tỉnh Yên Bái bị sạt lở nghiêm trọng.
Tại Lai Châu nhiều tuyến giao thông nông thôn vẫn đang tiếp tục sạt lở gây khó khăn cho việc đi lại của nhân dân. Hiện tại huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên vẫn đang bị cô lập hoàn toàn.
Nước lũ cũng làm thiệt hại nhiều công trình giao thông, điện, nước sinh hoạt hệ, thống cáp quang; cuốn trôi nhiều gia súc gia cầm...Đến thời điểm này, con số thiệt hại do mưa lũ ở các tỉnh Tây Bắc chưa được thống kê đầy đủ, nhưng chỉ riêng tại 2 huyện Mường La, tỉnh Sơn La và huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái thiệt hại ước tính gần 650 tỷ đồng.
Chỉ sau 1 đêm lũ đã càn quét nhà cửa, tài sản của người dân tại 2 huyện này, nhiều hộ gia đình mất người thân, hàng trăm hộ dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, trắng tay, đối mặt với muôn vàn khó khăn.
|
Gạo cứ trợ được chuyển đến cho bà con Mường La. |
“Lũ cuốn trôi hết rồi, nhà không có, gạo ăn không có, bát đũa cũng không, chẳng còn gì cả. Bây giờ chỉ mong vào sự giúp đỡ của Nhà nước chúng tôi mới có chỗ ở, có cái ăn thôi”, bà Lò thị Hiếu, bản Hua Nà, huyện Mường La,tỉnh Sơn La nói.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, các địa phương đã khẩn trương huy động lực lượng và phương tiện đến ứng cứu, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ dân bị cuốn trôi mất nhà cửa; tìm kiếm người mất tích; di chuyển khẩn cấp các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở đến nơi ở an toàn. Tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên các gia đình có người chết và mất tích...
Huy động máy móc san gạt đất đá vùi lấp, khắc phục nhanh chóng các tuyến giao thông. Tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La, hơn 2.500 người đã được huy động để giúp người dân khắc phục thiệt hại.
|
Các lực lượng vũ trang giúp dân khắc phục hậu quả lũ quét ở Yên Bái. |
Hiện nay huyện đang triển khai nối hàn hai đầu cầu cứng Nặm Păm để làm cầu tạm phục vụ việc ứng cứu dân, khắc phục thiệt hại. Hơn 200 hộ dân bị thiệt hại về nhà cửa đã được chuyển nơi an toàn.
Trước mắt huyện hỗ trợ cho các hộ dân mỗi hộ 2 thùng mỳ tôm, 2 bình nước và mỗi khẩu 15 kg gạo. Tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái hỗ trợ 20 triệu cho gia đình có nhà bị sập và cuốn trôi, hỗ trợ 10 triệu cho gia đình có nhà bị hư hỏng một phần; hỗ trợ 10 triệu cho gia đình bị thiệt hại về người; hỗ trợ gạo cho các gia đình bị thiên tai trong thời gian 3 tháng.
“Đây là trận lũ lịch sử chưa từng có ở Mù Cang Chải, ở trên núi cao những viên đá cuội rất lớn, có những viên to bằng cái ô tô vì lấp rất lớn diện tích khu vực dân cư ở. Việc khắc phục ngay là cả một vấn đề. Những chỗ nào liên quan đến trường học sẽ được tập trung, còn chỗ ở của người dân thì chúng tôi đang nghiên cứu, lựa chọn chỗ ở mới cho các hộ dân ở đây”, lãnh đạo tỉnh Yên Bái cho biết.
Theo dự báo từ nay đến ngày 6/8 tại các tỉnh Tây Bắc vẫn tiếp tục có mưa, nguy cơ xảy ra sạt lở vẫn cao. Hiện các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái đang kiên quyết di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân. Riêng tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La hàng trăm hộ dân được hỗ trợ di chuyển khỏi vùng nguy hiểm. Tỉnh Lai Châu cũng đã hỗ trợ di dời khẩn cấp hơn 30 hộ dân; tại Nậm Pồ tỉnh Điện Biên 20 hộ dân cũng đã được chuyển đến nơi an toàn. Cùng với đó, các tỉnh đều đẩy mạnh tuyên truyền, nghiêm cấm người dân ngủ lại các lán nương, lều quán ven sông suối, không ra suối vớt củi, vớt gỗ khi đang có mưa lũ; cảnh báo đến người dân diễn biến của thời tiết để người dân nâng cao cảnh giác, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống nhằm giảm thiểu thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra.