Tạo thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Chính phủ yêu cầu Bộ công an hoàn thiện chính sách thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh và đi lại cho khách du lịch quốc tế.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được đưa ra lấy ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, và dự kiến sẽ được thông qua trong vài ngày tới. Việc làm này nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của Việt Nam trong từng thời kỳ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tạo thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại Việt Nam - ảnh 1Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được đưa ra lấy ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, ngày 27/5/2023. Ảnh: VOV

3 năm trước đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã phải áp dụng chính sách hạn chế người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Sau khi dịch được kiểm soát (3/2022), Việt Nam đã mở lại hoạt động đón khách quốc tế. Số lượng người nước ngoài đến Việt Nam tăng theo từng tháng nhưng cả năm ngoái chỉ bằng 32,6% so với năm 2019 (năm trước khi có dịch Covid -19), và không đạt được mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế của ngành du lịch. Tình hình trên đã hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch, kinh doanh, thương mại và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Do vậy, Chính phủ yêu cầu Bộ công an hoàn thiện chính sách thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh và đi lại cho khách du lịch quốc tế.

Trên tinh thần đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam tập trung vào 2 chính sách. Thứ nhất là tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập, xuất cảnh Việt Nam theo hướng mở rộng đối tượng áp dụng; tăng giá trị, thời hạn của thị thực điện tử; tăng thời hạn lưu trú đối với người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực…
Tạo thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại Việt Nam - ảnh 2Chính sách về pháp luật xuất nhập cảnh của Việt Nam không ngừng được hoàn thiện, tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài. Ảnh: cand.com.vn

Ông Phạm Đăng Khoa, Cục trưởng Cục quản lý xuất, nhập cảnh, cho biết: "Dự thảo luật nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng và có giá trị một lần hoặc nhiều lần và mở rộng diện cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ. Trong khi trước đây, chúng ta mới chỉ có 80 quốc gia đưa vào danh sách cấp thị thực điện tử. Việt Nam cũng nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của các nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật".

Thứ hai là việc hoàn thiện một số quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Đánh giá về những sửa đổi này, ông Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng an ninh của Quốc hội, cho rằng: "Việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật về xuất, nhập cảnh hiện hành góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 88 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, kịp thời khắc phục những bất cập, hạn chế trong thực tiễn".

Ngoài những sửa đổi quan trọng về nội dung, việc Quốc hội xem xét và sẽ thông qua dự án luật sửa đổi ngay trong khuôn khổ 1 kỳ họp (thông thường là 2 kỳ họp) cũng cho thấy sự linh hoạt trong làm luật của Quốc hội, nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn cuộc sống.

Feedback