Huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị có diên tích rừng hơn 50 nghìn hecta. Những năm qua, phong trào bảo vệ và phát triển rừng của địa phương khá hiệu quả nhờ vào sự đầu tư của nhiều chương trình, dự án, vốn ngân sách và đặc biệt do sự chuyển biến trong ý thức của người dân. Đời sống bà con được cải thiện nhờ biết cách sống dựa vào rừng mà không phá rừng. Họ hiểu rằng, tự giác tham gia bảo vệ và trồng rừng chính là vì cuộc sống của bản thân và cộng đồng.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Sau trận mưa lũ nghiêm trọng hồi tháng 10 năm ngoái ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, một trong những việc cần làm ngay trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai của người dân nơi đây là khẩn trương bổ sung trồng mới những mảng rừng bị tàn phá do mưa lũ ngay khi có thể. Với người dân Pakô, Vân Kiều sống trên dãy Trường Sơn, từ xa xưa rừng luôn được coi là vị thần linh thiêng che chở, phù hộ cho mưa thuận gió hòa.
Hướng Hóa hiện có 40 nghìn ha rừng tự nhiên và trên 10 nghìn ha rừng trồng. Những năm qua, ngoài việc khuyến khích người dân trồng rừng sản xuất, chính quyền địa phương đã tăng cường giao rừng tự nhiên cho cộng đồng và hộ gia đình quản lý, trong đó người dân được hưởng lợi những sản vật từ rừng và dịch vụ chi trả môi trường rừng.
Người dân Hướng Hóa tham gia trồng rừng sau lũ trong khuôn khổ dự án PROSPER
- Ảnh Phi Yến |
Ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch huyện Hướng Hóa cho biết, thời gian tới, huyện sẽ tăng cường mở rộng thêm diện tích rừng trồng, từng bước đưa trồng rừng sản xuất thành ngành kinh tế chủ lực của địa phương. “Trong giai đoạn 2021-2025, chính quyền huyện Hướng Hóa xác định chỉ tiêu trồng mới 150-200 ha rừng /1 năm, nâng độ che phủ lên 47%. Do vậy chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch chương trình trọng tâm, huy động các nguồn lực, tổ chức, cá nhân chung tay đóng góp công tác quản lý, bảo vệ Rừng đặc biệt là việc trồng cây, gây rừng, giúp người dân chọn được cây trồng mục tiêu có giá trị kinh tế cao và sinh trưởng phát triển phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Chúng tôi rất mong muốn có thêm cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cùng chung sức hỗ trợ địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở Quảng Trị nói chung và Hướng Hóa nói riêng.”
Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) - một tổ chức phi chính phủ của Hà Lan- đang triển khai một dự án mang tên “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu” – Gọi tắt là dự án PROSPER.
Ông Nguyễn Đình Đại, Trưởng Văn phòng MCNV tại Quảng Trị cập nhật với đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam về dự án PROSPER sau 1 năm thực hiện. Ảnh MCNV |
Ông Nguyễn Đình Đại, Trưởng Văn phòng MCNV tại Quảng Trị cho biết, trồng rừng và quản lý rừng bền vững là một hợp phần của dự án PROSPER do Liên minh châu Âu tài trợ thực hiện từ 2020-2023 tại tỉnh Quảng Trị: “Mô hình mà MCNV khởi xướng ở huyện Hướng Hóa là trồng rừng từ giống cây bản địa thế mạnh của địa phương. Chẳng hạn như cây trẩu. Ngoài việc cây trẩu đóng góp vào công tác phòng hộ, hạt trẩu mang lại thu nhập cho người dân. Chúng tôi đang hợp tác với một doanh nghiệp để sắp tới mở một nhà máy sản xuất dầu trẩu ngay tại địa phương để tạo liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với nông dân. Đây cũng là mục tiêu mà MCNV hướng tới là làm thế nào để giúp cho nông dân vừa chăm sóc rừng tốt và vừa kết nối bền vững với doanh nghiệp. Và tất cả các bên đều hưởng lợi trong một mục tiêu bền vững.”
Ở miền núi Bắc Hướng Hóa, hạt trẩu với trữ lượng dồi dào đem lại thu nhập đáng kể cho bà con nông dân. |
Những năm gần đây, MCNV thay đổi phương pháp tiếp cận. Đó là việc không trực tiếp cho người dân “cần câu hay con cá” mà hỗ trợ họ có đủ năng lực để tham gia một cuộc chơi bình đẳng và bền vững. Đồng hành cùng dự án PROSPER là công ty TNHH giải trí và đào tạo của MC Đại Nghĩa và Quỹ Tài khoản An Vui - đơn vị tài trợ hơn 850 triệu đồng cho các hộ gia đình ở xã Hướng Phùng, Hướng Sơn phủ xanh hơn 100 ha đồi núi trọc bằng cây trẩu.
Nghệ sĩ Đại Nghĩa chia sẻ: “Ngay khi phát động, Quỹ nhanh chóng nhận được đóng góp của rất nhiều người trong nước và người Việt ở nước ngoài. Có người nói, trồng rừng phải đến 5 năm, 10 năm và 20 năm mới có kết quả, rồi lỡ không may có trận lũ mạnh như năm ngoái thì bao cây trụ lại được. Không vấn đề gì! Chúng ta làm ngày hôm nay không phải cho chúng ta, mà cho con cháu chúng ta. Mất cây này, ta lại trồng thế cây khác, phải kiên trì và cứ thế. Tôi hi vọng việc làm như này sẽ lan tỏa khắp nơi. Mỗi người một ít chúng ta cùng nhau làm để những mảng trống ở Quảng Trị sẽ được màu xanh cây rừng tô điểm.”
Những nghệ sĩ đến từ thành phố Hồ Chí Minh tham gia trồng rừng ở Hướng Hóa, Quảng Trị |
Nhận được những hỗ trợ rất thiết thực, người dân ở Hướng Hóa nói riêng và Quảng Trị nói chung đang ngày càng ý thức được rằng việc trồng rừng, bảo vệ rừng là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong phòng chống thiên tai, điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, không khí trong lành, làm đẹp cảnh quan thiên nhiên. Quan trọng hơn, việc trồng cây gây rừng còn mang đến cho họ nguồn lợi kinh tế bền vững, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần.
Ông Hồ Văn Chiến Chi hội trưởng Chi hội bảo vệ rừng thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa giới thiệu với đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam về hiện trạng tài nguyên rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh.- Ảnh MCNV |
Ông Hồ Văn Chiến, Chi hội trưởng Chi hội bảo vệ rừng thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa cho biết: “Nhờ vào dự án trồng và bảo vệ Rừng, đời sống người Vân Kiều chúng tôi ngày càng khấm khá. Thu nhập khá ổn định. Nhiều gia đình dựng được nhà to, mua sắm ti vi, xe cộ, đồ gia đình… Con em được đi học đầy đủ, được mở mang kiến thức, bà con được tiếp xúc với bên ngoài nhiều hơn. Cuộc sống đi lên"
Cây trẩu - loài cây bản địa thế mạnh được trồng nhiều ở Hướng Hóa, Quảng Trị- Ảnh MCNV |
Giờ đây, phải đến với Hướng Hóa mới cảm nhận được hết màu xanh mát bao la của những rừng cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây trầu, cây sao đen, keo lai, bời lời...Và, chính Rừng đang mang lại cho người dân nơi đây thu nhập chính đáng và cuộc sống no ấm.