(VOV5) - Nhân kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống bom mìn (4/4), chiều 28/3, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức họp báo về tình hình ô nhiễm bom mìn và công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam.
|
Đại diện Bộ LĐTBXH, Bộ Quốc phòng, Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam thông tin tại buổi họp báo. |
Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn lớn và chịu hậu quả nặng nề nhất trên thế giới. Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800 nghìn tấn, làm ô nhiễm trên 20% diện tích đất đai trên toàn quốc. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại tất cả các tỉnh, thành phố, trong đó, tập trung nhiều ở các tỉnh miền Trung. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã xác định việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách và cũng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Đặc biệt, công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo điều kiện để nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng. Ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), cho biết: “Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hàng năm có hướng dẫn các địa phương triển khai các hoạt động trợ giúp cho nạn nhân bom mìn. Trong đó, chú trọng đến việc dạy nghề, tạo việc làm cho các nạn nhân, rồi hỗ trợ những mô hình sinh kế như: Nuôi bò, nuôi lợn, trồng nấm và thực hiện một số dịch vụ kinh doanh khác phù hợp với nhu cầu sức khỏe của các nạn nhân bom mìn và nhu cầu thị trường trên địa bàn.”
Theo kế hoạch, Lễ kỷ niệm ngày Thế giới phòng chống bom mìn do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức vào ngày 4/4. Ngoài ra, chương trình giao lưu “Hành trình vì ngày mai tươi sáng” do Hội hỗ trợ nạn nhân bom mìn Việt Nam tổ chức cũng được diễn ra cùng ngày tại Hà Nội.