Nỗ lực bảo bào vệ động vật hoang dã tại Việt Nam

Chia sẻ
(VOV5) - Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã Save Vietnam's Wildlife đã cứu hộ hàng nghìn cá thể động vật hoang dã.
Nỗ lực bảo bào vệ động vật hoang dã tại Việt Nam - ảnh 1 Đàn voi xuất hiện gần sát khu vực rừng đặc dụng xã Quế Lâm. - Ảnh tư liệu: baoquangnam.vn

Kể từ khi thành lập vào năm 2014, Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn động vật hoang dã Save Vietnam's Wildlife đã cứu hộ hàng nghìn cá thể động vật hoang dã với hơn 95% là loài tê tê nguy cấp, quý hiếm, đóng góp quan trọng cho việc bảo tồn nhiều loài động vật hoang dã của Việt Nam.

Tại buổi lễ tổng kết 5 năm hoạt động tại Việt Nam tại Hà Nội diễn ra chiều 22/7, Ông Phạm Văn Tân, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, khẳng định: "Mặc dù trung tâm mới thành lập được cách đây 5 năm, thời gian ngắn và trên địa bàn rộng, rất khó khăn như khu vực vườn quốc gia Cúc Phương, Pù Mát, thì chúng tôi thấy trung tâm đã làm rất tốt công tác cứu hộ động vật hoang dã và các công việc liên quan. Đội ngũ của trung tâm thì không phải quá đông đảo nhưng có lòng nhiệt tình, có trách nhiệm với động vật hoang dã với môi trường, thiên nhiên, đã cố gắng hết mực để làm tốt các hoạt động".

Save Vietnam’s Wildlife (SVW) là tổ chức phi lợi nhuận của Việt Nam, được thành lập theo quyết định của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA). Kể từ khi thành lập trung tâm Save Vietnam's Wildlife đã xây dựng các chương trình dài hạn từ cứu hộ, bảo vệ môi trường sống, nghiên cứu và theo dõi sau tái thả, nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật hoang dã cho người dân địa phương.

Anh Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Save Vietnam’s Wildlife, chia sẻ: "Sứ mệnh của chúng tôi là ngăn chặn sự tuyệt chủng và phục hồi các quần thể động vật hoang dã quý hiếm. Chúng tôi cứu hộ động vật sau đó là chăm sóc nó và tái thả nó về với thiên nhiên. Ngoài ra bọn mình làm các biện pháp giáo dục để giảm cái nhu cầu sử dụng động vật hoang dã cũng như bảo vệ môi trường sống của động vật. Ở nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành các hoạt động nghiên cứu để xem sự hòa nhập của các cá thể được tái thả cũng như sự tồn tại của nó với sự phân bố của cái loài đó ngoài tự nhiên".

Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiến hành xây dựng chiến lược bảo vệ loài cầy vằn toàn cầu đầu tiên trên thế giới, thiết lập hiện trạng bảo tồn loài tê tê vàng tại nhiều khu vực của Việt Nam.

Feedback